Gia đình anh Tư Đức Bành ở thôn 2, xã Tân Hòa, huyện Bôn Đôn có 4 nhân khẩu, nhưng mỗi ngày cố gắng chỉ sử dụng khoảng 40 lít nước sinh hoạt. Thế nhưng từ sau Tết nguyên đán, giếng đã cạn, gia đình phải tận dụng nguồn nước ở các ao nhỏ quanh vườn. Bây giờ, các ao này cũng đã cạn, gia đình phải đi mua nước cách nhà khoảng hơn 3 cây số về dùng. Anh Bành rất lo lắng, vì nguồn nước này cũng sắp hết.

“Sử dụng nước nhà mình thiếu lắm, mấy năm trước vẫn đủ, qua tết này thiếu một ít thôi, nhưng bây giờ thì thiếu hẳn rồi, giờ thiếu phải đi mua nước chứ sao. Mỗi lần mình lấy một bể mình đưa khoảng 20-30.000 gì đó.”

kho_han1_oafo.jpg
Các cháu học sinh bán trú ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Với khô hạn nghiêm trọng các thầy cô giáo cùng hơn 400 cháu học sinh Trường mầm non Bán trú Hoa Hồng, xã Tân Hòa, huyện Bôn Đôn cũng đang gặp khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt.

Cô giáo Nguyễn Thị Cảnh, Hiệu trưởng  nhà trường cho biết, trường đã vận động phụ huynh đóng góp tiền để mua nước bình cho các cháu sử dụng.

“Nhà trường tính đến phương án huy động phụ huynh đóng góp tiền mua nước. Phương án đó thực sự cũng khó khăn với trường và phụ huynh vì 100% các cháu ở đây là con em nông thôn. Mà khô hạn thì kinh tế của người dân nơi đây cũng rất khó khăn. Việc đóng góp đã khó, và nguồn nước xung quanh hiếm nữa, có thể đóng được tiền cũng chưa biết mua nước ở đâu”, cô Cảnh lo lắng.

Theo UBND huyện Buôn Đôn, thời điểm này chỉ tính 3 xã Ea Nuôl, Tân Hòa và Ea Huar hiện có khoảng 2.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị trình UBND huyện hỗ trợ 200 triệu đồng, khoan giếng và xây bể chứa để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và các trường mầm non bán trú.

Ông Khăm Phôn Lào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bôn Đôn cho biết: “Trong thời gian cao điểm vào tháng 3, tháng 4, tháng 5, chúng tôi đã đề xuất xin ngân sách của huyện khoan 4 giếng khoan tập trung, làm tec nước đặt để thông báo cho nhân dân tới điểm tập trung lấy nước về sử dụng, sản xuất”

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, địa phương hiện đã có trên 25.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Sở đã đề nghị UBND tỉnh xuất kinh phí dự phòng để hỗ trợ người dân tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt.

"Trong kế hoạch chống hạn, chúng tôi ưu tiên hàng đầu về giải quyết nước sinh hoạt cho người dân. Thứ nhất điều tiết nước ở các hồ, bố trí các trạm bơm để lấy nước, có thể khoan một số giếng tại nơi thiếu nước cho bà con. Chỉ đạo địa phương là ở các khu vực thiếu nước đã có giếng nước khoan thì phải tận dụng san sẻ nguồn nước cho bà con”, ông Dương nói./.