Trước việc dự án xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, tại số 2 Lê Thái Tổ đang được UBND quận Hoàn Kiếm chuẩn bị đầu tư xây dựng có nhiều ý kiến khác nhau từ dư luận cho rằng, công trìnhgây ảnh hưởng tới giá trị lịch sử của di tích Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cùng với đó làkiến nghị của một số hộ dân tại nhà số 11 Hàng Gai là các hộ liền kề phía sau công trình, giáp phía Bắc khu đất. Thông tin về vấn đề này,Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùng khẳng định, công trình xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm (TT-VH) đã được triển khai đúng quy trình, quy định của pháp luật và phù hợp với không gian, kiến trúc cảnh quan xung quanh Hồ Hoàn Kiếm.
Công trình ngoài phạm vi khoanh vùng di tích Hồ Hoàn Kiếm
Theo Quyết định số 45/QĐ-UBND ngày 6/1/1997, khu đất tại số 2 Lê Thái Tổ có chức năng là đất công trình công cộng thương mại, dịch vụ; chỉ tiêu mật độ xây dựng công trình không quá 80% và chiều cao công trình không quá 16m.
Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùng cho biết: “UBND quận Hoàn Kiếm đã cấp Giấy chứng nhận quyền quản lý sử nhà đất thuộc sở hữu nhà nước cho Nhà văn hóa quận Hoàn Hoàn Kiếm với diện tích đất sử dụng riêng là 242,2m2”.
Khu đất có vị trí tại ngã ba Lê Thái Tổ, Lương Văn Can và giáp Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục tiếp nối đầu hồi tòa nhà Long Vân- Hồng Vân, phía Bắc giáp các hộ dân liền kề.
“Vị trí khu đất xây dựng công trình nằm trong vùng phụ cận của quận Hoàn Kiếm, không nằm trong phạm vi khoanh vùng di tích Hồ Hoàn Kiếm”, ông Lâm Quốc Hùng khẳng định.
Hiện trạng khu đất do Công ty Địa chính Hà Nội lập 2/2004 thể hiện vị trí khu đất là dãy nhà cấp 4 một tầng mái tôn và một số ki ốt.
Sau đó, ngày 30/12/2013, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 70/QĐ-UBND về Quy định phân công trách nhiệm và cơ chế phối hợp quản lý Hồ Hoàn Kiếm, trong đó giao UBND quận Hoàn Kiếm quản lý toàn diện khu vực Hồ Hoàn Kiếm.
Năm 2009, UBND quận Hoàn Kiếm có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình xây dựng tại số 2 Lê Thái Tổ với chỉ tiêu diện tích xây dựng công trình 191,05m2, mật độ xây dựng 79%, chiều cao công trình 4 tầng nổi và 1 tầng hầm. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện xây dựng có kiến nghị của các hộ dân số 11 Hàng Gai và ý kiến một số chuyên gia. Để việc đầu tư xây dựng công trình được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng sau khi có dư luận xã hội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo tạm dừng thi công xây dựng công trình này và giao Sở Quy hoạch- Kiến trúc chủ trì cùng quận Hoàn Kiếm phối hợp với các chuyên gia và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án quy hoạch kiến trúc đầu tư xây dựng để báo cáo Thành phố xem xét quyết định.
Qua đó, Sở Quy hoạch- Kiến trúc chủ trì cùng UBND thành phố phối hợp với các chuyên gia, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến đề xuất các phương án quy hoạch kiến trúc đầu tư xây dựng đối với khu đất. Cụ thể: họp lấy ý kiến Thường trực Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày 13/9/2012. Họp Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố lần thứ nhất ngày 28/9/2012, kết quả 14/16 phiếu thành viên tán thành xây dựng công trình, không làm vườn hoa tại ví trí khu đất.
Trên cơ sở thực tiễn nghiên cứu so sánh các phương án quy hoạch kiến trúc đề xuất, phương án xây dựng vườn hoa do khu đất có diện tích rất nhỏ nên không phù hợp, ở vị trí dễ mất an toàn giao thông và không có giải pháp khắc phục kiến trúc lộn xộn của các công trình riêng lẻ liền kề tiếp giáp khu đất, cũng như không có khả năng hoàn chỉnh quy hoạch kiến trúc của ô phố. Việc chọn lựa phương án quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình sẽ hoàn chỉnh tổng thể tổ hợp kiến trúc với công trình Long Vân - Hồng Vân tạo hình thái kiến trúc hoàn chỉnh ô phố, đóng góp hiệu quả vào không gian cảnh quan đô thị khu vực và cho quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phù hợp với không gian và quy hoạch khu vực được duyệt.
Ngày 5/10/2012, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có công văn số 2981/QHKT-P8 báo cáo Thành phố đề xuất chọn Phương án xây dựng công trình.
Sau đó, ngày 5/11/2012, Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thành phố với 14 phiếu/tổng số 20 thành viên (lần thứ 2) tán thành xây dựng công trình, không làm vườn hoa; Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch Thành phố đã thống nhất thông qua phương án quy hoạch kiến trúc và có Thông báo số 921/TB-HĐKTQH về kết luận của Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc quy hoạch Thành phố: “Công trình tạo điều kiện kết nối phần kiến trúc mặt đứng tòa nhà Long Vân - Hồng Vân (hiện đang có đầu hồi rất mỏng, không tương xứng với mặt nhà giá trị hiện có); hoàn thiện ô phố quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và bộ mặt khu vực trung tâm lịch sử... Việc sớm quyết định và hoàn thành công tác xây dựng tại khu đất số 2 phố Lê Thái Tổ là cần thiết nhằm đảm bảo hoàn thiện cảnh quan lô phố và khu vực, không để tình trạng quây tôn kéo dài như hiện nay. Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thống nhất chọn phương án xây dựng công trình....”.
Ngày 20/12/2012, UBND thành phố có văn bản số 10176/UBND-QHXDGT đồng ý với phương án đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc hướng dẫn UBND quận Hoàn Kiếm hoàn chỉnh thiết kế công trình; thẩm định và phê duyệt kiến trúc công trình tại khu đất số 2 phố Lê Thái Tổ theo quy định.
Ngày 15/4/2013, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có văn bản số 994/QHKT-P2 về việc chấp thuận điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ của công trình xây dựng số 2 Lê Thái Tổ với nội dung: Chức năng công trình: Trung tâm TT-VH Hồ Gươm. Diện tích lô đất: 242,2m2; Diện tích xây dựng khoảng: 157m2; Mật độ xây dựng không vượt quá: 64,8%. Mật độ diện tích xây dựng sử dụng tầng 1 là 32,9% và công trình xây dựng có khoảng lùi phù hợp, kết hợp với tạo lập kiến trúc cảnh quan đường phố. Tổng diện tích sàn xây dựng (các tầng nổi) : 423,8m2; Tầng cao công trình: 3 tầng + 1 tầng hầm và 1 tum thang kỹ thuật. Tổng chiều cao công trình từ cốt vỉa hè đến diềm mái là 10,1m và đến đỉnh tum thang là 13,6m.
Từ quá trình triển khai nêu trên có thể khẳng định, việc chuẩn bị đầu tư công trình xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm đã được triển khai hết sức cẩn trọng, dân chủ và lắng nghe ý kiến của công luận để có được phương án kiến trúc hợp lý nhất. Thiết kế của công trình phù hợp với các Quy hoạch của cấp có thẩm quyền và không gian, kiến trúc cảnh quan xung quanh Hồ Hoàn Kiếm. Quá trình hoàn chỉnh dự án, chuẩn bị thực hiện đầu tư dự án xây dựng công trình đã được UBND quân Hoàn Kiếm thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Cụ thể: Công trình xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm thực hiện đúng quyết định số 45/QĐ-UB ngày 06/01/1997 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành “Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch khu vực hồ Gươm và phụ cận”.
Tại điều 7 - mục 7.1 có quy định về mật độ xây dựng của công trình thương mại, dịch vụ và cơ quan là 80% (Quy hoạch kiến trúc công trình được duyệt có mật độ xây dựng 64,8%, riêng tầng 1 có mật độ xây dựng 32,9%).
Tại điều 7 - mục 7.3 có quy định về chiều cao công trình tiếp giáp bên bờ hồ Hoàn Kiếm, chiều cao tối đa không vượt quá 16m kể từ chỉ giới xây dựng (Quy hoạch kiến trúc công trình được duyệt có chiều cao tối đa là 13,6m, thấp hơn chiều cao cho phép dưới 16m).
Không cần ý kiến ngành Văn hóa
Về Quy hoạch kiến trúc công trình xây dựng đã được Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch thành phố thông qua và Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND thành phố đã chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng – phương án kiến trúc công trình xây dựng phù hợp quy hoạch khu vực được duyệt và không gian kiến trúc, cảnh quan xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và đặc điểm pháp lý, hiện trạng khu đất. Trong quá trình hoàn chỉnh quy hoạch phân khu đô thị Hồ Gươm và phụ cận (H1-1B), các cơ quan chức năng đang nghiên cứu tổ chức không gian xanh phù hợp để tạo lập không gian mở kiến trúc cảnh quan khu vực Hồ Hoàn Kiếm (như tại khu vực trụ sở các cơ quan điện lực, khu vực tượng đài vua Lê...).
Mặt khác, theo Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ và Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 của UBND Thành phố Hà Nội (ban hành quy định về quản lý một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội), UBND quận Hoàn Kiếm đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định của Pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. “Theo quy định của pháp luật, công trình xây dựng này không phải lấy ý kiến của Bộ: Xây dựng, Văn hóa- Thể thao và Du lịch hay Hội sử học Việt Nam...”, ông Lâm Quốc Hùng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm cũng cho rằng, phản ánh tại đơn kiến nghị của các hộ dân là không chính xác và thông tin dư luận báo chí đã nêu là chưa tiếp cận thông tin đầy đủ. “UBND quận Hoàn Kiếm đã thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố, các Sở ngành và đúng các quy định của pháp luật”, ông Lâm Quốc Hùng nói.
Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cũng khẳng định công trình số 2 Lê Thái Tổ là công trình phục vụ lợi ích chung của Nhà nước và công cộng. Với chức năng công trình công cộng giới thiệu thông tin văn hóa Hồ Gươm tầng một tổ chức không gian mở, tầng 2 trưng bày hiện vật và thông tin Hồ Gươm, tầng 3 là các phòng họp, hội thảo và nơi làm việc của cơ quan quản lý.
Liên quan đến ý kiến cho rằng quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là di tích cần được cân nhắc khi xây dựng công trình. Giáo sư Hà Đình Đức cho rằng Hồ Gươm là vùng nhạy cảm, vùng văn hóa lịch sử. Tuy nhiên cần nhìn vào thực tế chứ không phải cứ xây dựng công trình gần Hồ Gươm là vi phạm. Cần phải xác định xem Đông Kinh Nghĩa Thục ở đâu, tồn tại hay không tồn tại và đã có quyết định công nhận là di tích văn hóa, lịch sử chưa. Quan trọng cần phải tìm ra chứng tích về Đông Kinh Nghĩa Thực mới có thể khẳng định công trình này vi phạm đến Đông Kinh Nghĩa Thục và muốn xây dựng Đông Kinh Nghĩa Thục có lẽ phải phá nhiều để tạo thành một quảng trường xứng đáng. Giáo sư Hà Đình Đức khẳng định khu vực xây dựng công trình không liên quan đến các di tích văn hóa, lịch sử xung quanh Hồ Gươm./.