Trước tình hình bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng tại địa bàn phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), sáng 23/7, đoàn công tác gồm lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy và UBND phường Yên Hòa đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết của các hộ dân trên địa bàn phường.
Theo số liệu từ Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy, từ đầu năm 2014 đến ngày 20/7, có 14 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 4/8 phường (Mai Dịch, Nghĩa Tân, Quan Hoa, Yên Hòa), trong đó tập trung chủ yếu ở phường Yên Hòa (11 người).
Theo bà Trần Hải Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, phường Yên Hòa trước đây là địa bàn thuộc ngoại thành Hà Nội những năm gần đây đang trong quá trình đô thị hóa. Nhiều hộ dân trên địa bàn phường vẫn giữ thói quen trồng nhiều cây cối trong nhà. Đó chính là môi trường tốt cho muỗi phát triển gây bệnh sốt xuất huyết. Những năm trước đây, Yên Hòa được xem là địa bàn trọng điểm của dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với nỗ lực của cả chính quyền và người dân, Yên Hòa đã ra khỏi danh sách địa bàn trọng điểm về dịch bệnh. Tuy nhiên, UBND phường xác định không thể chủ quan, lơ là mà vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống dịch bệnh, thực hiện việc vệ sinh môi trường thường xuyên, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi.
Xuống kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các hộ dân trên địa bàn phường Yên Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tính đến nay trên địa bàn Hà Nội có 112 trường hợp mắc sốt xuất huyết, các ca sốt xuất huyết đều nằm rải rác không thành ổ dịch. Riêng trong tuần này phát hiện một ổ dịch nhỏ tại phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy), đến nay có 9 bệnh nhân.
Đề phòng dịch sốt xuất huyết có thể lây lan, bùng phát trên diện rộng, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy phối hợp UBND phường Yên Hòa tổ chức diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, xử lý ổ dịch theo quy định. Đến nay, ổ dịch vẫn đang hoạt động nhưng có chiều hướng giảm.
Ông Hạnh cho biết, sau dịch sốt xuất huyết khá lớn vào năm 2009 với 16.000 người mắc và 4 người tử vong, đến nay là đúng chu kỳ 5 năm. Trong điều kiện thời tiết mưa nắng như hiện nay nguy cơ dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội là rất cao. Ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh nói chung, trong đó có bệnh sốt xuất huyết; chỉ đạo các Trung tâm y tế xây dựng kế hoạch phòng chống dịch sốt xuất huyết, đặc biệt lưu ý các xã phường trọng điểm (các địa bàn có ổ dịch cũ và có nguy cơ mắc dịch cao). Sở đã thống kê có 30 xã, phường có nguy cơ cao với bệnh sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai. Đây là những địa bàn đã từng có dịch và có môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển. Sở Y tế Hà Nội cũng đã chủ động đề nghị cán bộ y tế tại các địa bàn này tập huấn để tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ giúp người dân hiểu rõ ảnh hưởng của bệnh sốt xuất huyết đối với sức khỏe và tính mạng người dân. Ở những xã, phường này, ngoài việc tuyên truyền thu gom phế thải, phun hóa chất trên diện rộng.
Cũng theo ông Hạnh, tỷ lệ sốt xuất huyết cao thường tập trung ở các đối tượng là sinh viên, người lao động tự do chỗ ăn ở tạm bợ, ít được tiếp cận thông tin tuyên truyền dẫn đến không chủ động phòng ngừa bệnh.
Tháng 5 vừa rồi, Sở đã tổ chức một đợt thu gom phế thải, diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng. Đầu tháng 8, tuần tới, Sở sẽ tổ chức phun hóa chất đợt 2, đón đầu dịch sốt xuất huyết thường xuất hiện vào tháng 5 và cao điểm là tháng 9, 10, 11./.