Những năm gần đây, việc học sinh không mặn mà với môn lịch sử diễn ra ngày càng phổ biến. Đặc biệt, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa môn học này vào danh sách các môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thì tỷ lệ học sinh chọn thi môn lịch sử ở hầu hết các trường là dưới 10% thậm chí nhiều trường tỷ lệ này là 0%.

phan%20huy%20le.jpg
Giáo sư Phan Huy Lê (Ảnh: Vietnamplus)

Trả lời phỏng vấn của PV VOV, Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, với cách dạy và học hiện nay, học sinh chán môn lịch sử là tất yếu. Bên cạnh đó, cách thức đổi mới thi cử mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai đã đẩy môn lịch sử ra khỏi ý thức học sinh.

PV: Thưa Giáo sư, Hội Khoa học lịch sử từng đề xuất đưa lịch sử vào trong các môn thi bắt buộc, nhưng năm nay, khi đổi mới thi cử, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đưa lịch sử vào danh các các môn thi tự chọn. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế này?

GS Phan Huy Lê: Những môn bắt buộc theo tôi không nên thiếu môn sử học. Nhiều nước trên thế giới, người ta đặt môn ngữ văn, toán học và môn sử học là những môn bắt buộc. Nếu như thi theo chương trình cải cách của Bộ thì thực tế không phải chỉ loại trừ mỗi môn sử học mà gần như loại trừ tất cả các môn xã hội ra khỏi kiến thức mà học sinh quan tâm. Tôi không nói là chương trình loại trừ nhưng mà với cách đối xử như vậy thì trên thực tế là loại trừ và điều đó theo tôi là hệ quả cực kỳ nghiêm trọng.

Chúng ta hình dung như thế nào, học sinh lớn lên trở thành công dân hiểu biết về lịch sử và các môn khoa học xã hội nói chung rất là mù mịt, thiếu hệ thống và thiếu căn bản. Đó không phải là vấn đề kiến thức nữa mà thuộc về tính cách, bản lĩnh, thuộc về ý thức trách nhiệm công dân của mỗi một con người Việt Nam. Theo tôi vấn đề này hết sức cơ bản và cần có sự nghiên cứu và giải quyết một cách có trách nhiệm, toàn diện.

PV: Nhưng rõ ràng, với thực tế dạy và học lịch sử hiện nay, việc bắt buộc học sinh thi môn này cũng rất khó làm các em yêu thích lịch sử. Ông nghĩ sao khi học sinh ngày càng không thích môn lịch sử?

GS Phan Huy Lê: Thực trạng dạy và học môn Sử phổ thông rất đáng buồn, rất đáng lo ngại. Thái độ chung của học sinh hiện nay, nếu nói là quay lưng lại với lịch sử thì theo tôi là hơi quá đáng nhưng không thích học môn sử thì đây là hiện thực khá phổ biến, thật sự các em không muốn học lịch sử.

Tôi cho rằng, với cách dạy hiện nay, với chương trình sách giáo khoa hiện nay thì đó là hệ quả tất yếu, sách giáo khoa nặng hình thức như thế, nặng về sự kiện như thế thì đối với tuổi trẻ đầy năng động, đầy sức sống thì rõ ràng các em không chấp nhận được. Trong một mức độ nào đó thì thái độ không thích môn sử, tức là bày tỏ thái độ không đồng tình với nội dung và phương pháp dạy sử như hiện nay thì theo tôi đây là thái độ tích cực của giới trẻ, nó thể hiện thái độ có tính chủ động năng động hơn của giới trẻ, phản ứng và không chấp nhận lối học như vậy và đòi hỏi ngành có trách nhiệm phải thay đổi cách dạy sử và học sử như hiện nay.

PV: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận thấy những bất cập này và hiện đang soạn thảo đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa. Theo ông, môn lịch sử sẽ phải thay đổi như thế nào?

GS Phan Huy Lê
: Thứ nhất là phải đặt môn sử học trong cả hệ thống giáo dục phổ thông chứ không thể tách ra được. Như vậy có nghĩa là muốn thay đổi môn sử hiện nay trước hết phải thực hiện nó trong đề án tổng thể tức là đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục phổ thông và trong giáo dục phổ thông thì môn sử cũng phải thay đổi trong toàn bộ hệ thống của nó.

Từ nhận thức về môn sử như thế nào, nói nôm nà là dạy sử để làm gì, với mục đích gì góp phần gì trong đào tạo con người ở thế hệ trẻ, từ đó mới xác định được học cái gì và học như thế nào. Đó là một loạt câu hỏi cần phải trả lời trong nhận thức về môn sử rồi thể hiện nó trong chương trình của môn sử, sau đó là biên soạn sách giáo khoa, rồi cả vấn đề đào tạo đội ngũ giáo viên như thế nào đáp ứng với yêu cầu của cuộc cải cách giáo dục này, cách học của học sinh và cách dạy của thầy giáo cô giáo cũng phải thay đổi. Theo tôi đây là thay đổi cả hệ thống nên nếu tách ra từng bộ phận nhỏ thì không thể thay đổi được gì.

PV: Cá nhân Giáo sư và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam sẽ có những đóng góp gì để đổi mới việc dạy và học môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông?

GS Phan Huy Lê: Tôi đang rất chờ đợi và Hội Khoa học Lịch sử sẵn sàng đóng góp với ngành giáo dục, với Bộ Gíáo dục và Đào tạo để góp phần xây dựng đề án mới, trong đó đặc biệt là chương trình giảng dạy lịch sử và kế hoạch biên soạn sách giáo khoa. Sắp tới đây, Hội Khoa học lịch sử cũng có chủ trương tổ chức những hội thảo chuyên gia để đóng góp với Bộ Giáo dục về đề án cải cách giáo dục và đặc biệt là chương trình môn Sử học ở trường phổ thông. Trên cơ sở đóng góp với chương trình đó thì sẽ đóng góp ý kiến về phương hướng tổ chức biên soạn sách giáo khoa như thế nào, vị trí của sách giáo khoa như thế nào trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam.

PV:Vâng, xin cảm ơn Giáo sư./.