Sau khi đăng bài viết "Học sinh xé đề cương sử: Lỗi tại ai?", VOV online nhận được rất nhiều ý kiến bình luận của độc giả về vấn đề này. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.Độc giả ký tên là htqn viết: "Việc học sinh có tâm lý sợ môn Sử hiện nay là 1 thực tế, nhưng cho rằng đó là do các giáo viên dạy Sử là 1 sai lầm - họ cũng đã cố hết sức có thể rồi, nhưng vẫn không cải thiện được gì! Vấn đề ở đây là xu thế xã hội và cách làm giáo dục của những nhà quản lý: một xã hội mà sự thực dụng đang ngày càng lấn át chiều sâu, một chương trình giáo dục Lịch sử phổ thông nặng lý thuyết, thiếu sinh động và đơn điệu trong các kênh truyền tải... Có thể nói, hành động của các học sinh trường X này thật hãi hùng và đau lòng - bản thân tôi là một người theo nghiệp Sử đã rơi nước mắt khi xem clip này, nhưng nó được xem là "giọt nước tràn ly" để xã hội thấy được nền giáo dục của chúng ta đang đi về đâu, thiếu khuyết chỗ nào và cần phải làm gì. Xin các nhà quản lý hãy lắng nghe dư luận một cách chân thành!"Độc giả Nguyễn Hồng Sơnthìcho rằng, cần phải thay đổi cách tiếp cận với lịch sử của học sinh hiện nay. Đối với bậc tiểu học ta chỉ nêu khái quát 1 số nhân vật, sự kiện thông qua các môn học khác như Tiếng Việt hoặc Giáo dục công dân. Đến bậc PTTH thì mỗi sự kiện lịch sử ta chỉ đưa ra nguyên nhân, diễn biến, kết quả. Còn phần đánh giá nhận sét để học sinh tự đánh giá và rút ra bài học của mình. Như vậy các em sẽ cảm thấy bài học hấp dẫn hơn và quan trọng nhất là học sinh sẽ có những ý kiến của riêng mình được lồng vào bài học, như vậy sẽ không phải học vẹt dễ quên như hiện nay.
Còn bạn đọc Dương Minh Hoàng nêu ý kiến: “Nếu muốn thay đổi, phải biến chúng thành những thứ thiết thực, biến việc học thành thực chất mang lại kiến thức cho nguời học chứ không phải là những thứ điểm số,bằng cấp như ta vẫn làm”.Là một giáo viên dạy lịch sử, độc giả Vũ Hạnh đưa ra một số phân tích rất cụ thể, chi tiết:
“Thứ nhất: Các bạn cho rằng nhàm chán.
Tôi thử hỏi các bạn nhàm chán ở điểm gì? Lịch sử biên soạn để giảng dạy cũng chỉ như thế còn thế nào nữa, chẳng lẽ lịch sử cho khối THPT lại đầy rẫy tranh ảnh, hay những câu chuyện cổ tích như dạy mầm non, mẫu giáo hay sao.
Đầy rẫy những con số? Thế lịch sử bỏ ngày, tháng, năm đi, số liệu đi? Thế thì còn gì là lịch sử. Phải chăng toán, lý, hoá... ít con số sao?
Lịch sử dài dòng? Thế theo các bạn phải tóm lược đến thế nào? Cả một chặng đường lịch sử thế giới, dân tộc ta, đã khiến các nhà giáo dục giảm tải đến chỉ còn 1/30 ( so với giáo trình chuyên nghiệp).
Thế chán học môn lịch sử ở đâu?
Tất cả là ở cái quá thực tế của người hoc, và cái quá xem nhẹ của các nhà hoạch định.
Thứ nhất: Môn lịch sử rất ít trường thi chuyên nghiệp.
Thứ hai: Trong chương trình học: quá ít số tiết dạy ( môn tiếng nước ngoài, cả tự chọn 4 tiết/ tuần) trong khi môn lịch sử chỉ là con số 1,5 với khối 10 và 12, 1 tiết với khối 11/ tuần.
Thứ ba: Kinh phí làm sao đủ cho đi thực tế lịch sử ở trường PT ( trong khi: môn tiếng nước ngoài có phòng học chức năng, lý, hoá, sinh có phòng thực hành...
Vì vậy, các bạn hãy giúp chúng tôi khi các bạn có thể làm được, còn đừng bao giờ hỏi những câu hỏi mà không ai có thể làm gì được, để rồi, trách người nọ, móc người kia”.VOV online xin chân thành cảm ơn những ý kiến bình luận của các bạn và hy vọng tiếp tục nhận được ý kiến tham gia bàn luận về vấn đề này./.