Đề thi là khâu thực hiện đầu tiên nhưng kết quả lại được phản ánh cuối cùng. Một số giáo viên phản ánh: Nếu dạy và học theo đúng hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thì thí sinh sẽ bị mất điểm trong môn sử vì đáp án không có trong nội dung chuẩn kiến thức kỹ năng. Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi sử không sai. Nhưng những rắc rối như trên chính là hệ lụy của chương trình- sách giáo khoa (SGK).

Trước kỳ thi, Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) khẳng định: “Tài liệu hướng dẫn dạy theo chuẩn kiến thức kỹ năng có thể xem là tài liệu để tổ chức ôn tập cho học sinh".

Tuy nhiên, trong đề thi sử vừa qua, nếu thí sinh chỉ được học theo chuẩn kiến thức kỹ năng thì bị mất điểm vì đáp án hướng dẫn chấm của 2 câu hỏi không có trong “chuẩn kiến thức kỹ năng” .

lich-su.jpg
Lý giải về việc này, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí Trần Văn Nghĩa cho rằng “đề thi không sai vì nằm trong chương trình và SGK”. Ông Nghĩa cũng cho biết thêm, “chuẩn kiến thức kỹ năng chỉ là yêu cầu tối thiểu. Muốn đạt điểm cao cần phải ôn tập để đạt những yêu cầu cao hơn .”

Khi Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập, công tác thi (vốn dĩ rất phức tạp, tế nhị, nhạy cảm…) đã chuyển sang Cục. Nhưng một vài năm sau đó, Vụ GD Trung học vẫn nắm quyền ra hướng dẫn ôn tập trong khi Cục ra đề thi.

Sẽ chẳng có gì lớn xảy ra nếu như hai bên phối hợp ăn ý. Song, những gì xảy ra liên quan đến đề thi trong các kỳ thi tốt nghiệp vừa qua không chứng minh được sự phối hợp ăn ý đó.

Chẳng những thế, vụ việc một Phó vụ trưởng Vụ GD Trung học tham gia gần hai chục đầu sách ôn tập mà báo chí đăng tải mới đây, càng làm cho dư luận đặt dấu hỏi cho việc có hay không việc trục lợi về quyền lực GD (?).

Với một kỳ thi quốc gia thì người ta sẽ không dại gì để lợi ích cá nhân và nhóm lợi ích cục bộ chi phối để rồi “lạy ông tôi ở bụi này!”. Nhưng, với những gì xảy ra với đáp án và đề thi môn sử, lại thêm một lần nữa, người ta thấy hệ huỵ do CT và SGK gây ra.

Theo chương trình phân ban, bậc THPT có ba ban: A, C và cơ bản. Chương trình- SGK ở mỗi ban có sự khác nhau ở một số môn. Sự khác nhau thể hiện ở việc thiếu thống nhất trong hệ thống khái niệm, kiến thức, nội dung, mức độ… Do đó, giáo viên lúng túng không biết dạy ra sao, ra đề thi thế nào. Chuẩn kiến thức kỹ năng ra đời nhằm tạo một mặt bằng chất lượng (kiến thức, kỹ năng ) tối thiểu để GV dạy học sinh.

Bộ hướng dẫn dạy và ôn tập trong chuẩn kỹ năng. Nhưng ra đề lại có phần nằm ngoài. Bộ nói đề thi nằm trong CT – SGK thì đúng rồi. Nhưng khổ lắm, có phải tất cả nội dung kiến thức trong CT - SGK đều có ở chuẩn kiến thức kỹ năng đâu?

Chính vì thế, cho dù Ban ra đề thi rất thận trọng nhưng nhiều khi cũng không thể lường hết các khả năng xảy ra, một phần cũng vì chương trình – SGK./.