Thế là đã hơn 20 năm, thầy giáo Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu TP HCM gắn bó với “nghiệp” đào tạo học sinh giỏi Tin học. Cũng chừng ấy năm biết thầy, tôi đã từng nghĩ rằng, với khả năng như thầy, có lẽ thầy sẽ không bám trụ nghề dạy học lâu đến thế, mà sẽ rẽ sang một ngã khác, vừa để thỏa mãn niềm đam mê với lĩnh vực Tin học, vừa có điều kiện phát triển kinh tế.

Nhưng rồi, tất cả cũng chỉ là suy đoán. Hơn 20 năm qua, thầy Nguyễn Thanh Hùng vẫn sống cuộc đời bình dị của một người thầy hết lòng vì học trò. Thầy tâm sự, nghề dạy học đã là mối duyên nợ của thầy, không thể nào khác được. Mỗi khi nhìn thấy bước trưởng thành của các học trò, thầy lại được tiếp thêm sức mạnh để gắn bó với con đường mình đã chọn.

“Hơn 20 năm qua, kể cả trong lúc khó khăn nhất là khi mới chân ướt chân ráo đưa gia đình vào TP HCM để tôi tiếp tục học nâng cao trình độ môn Tin học, vừa học, vừa làm, vừa phải lo thuê nhà, nhưng chưa bao giờ tôi lung lạc ý chí là sẽ chuyển nghề. Thì không có lý do gì, đến bây giờ sau mấy chục năm gắn bó với nghề dạy học, tôi lại thay đổi suy nghĩ của mình”- Thầy Hùng tâm sự.

Nghề giáo với thầy Nguyễn Thanh Hùng không chỉ là đam mê, mà đúng như thầy nói, còn là duyên nợ. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường ở trường chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), cậu học trò Nguyễn Thanh Hùng đã cảm nhận được sự dạy dỗ, thương yêu học sinh hết lòng của các thầy cô giáo ở mái trường này. Ước mơ được tiếp bước các thầy cô của mình đã được nuôi dưỡng trong tâm hồn của Thanh Hùng ngay từ khi đó. 

dt-tin-2012.jpg
Thầy Nguyễn Thanh Hùng (thứ 5 từ trái sang) và đội tuyển Tin học năm 2011 gồm 10 em thì cả 10 đều đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi Tin học quốc gia

Năm 1991, sau 5 năm tích cóp những kiến thức mới lạ ở trường đại học Sư phạm Quốc gia  Lipest (Nga) về lĩnh vực Tin học, Nguyễn Thanh Hùng chính thức được bắt đầu ước mơ làm nghề thầy giáo của mình ở ngay mái trường Lam Sơn, nơi đã dạy dỗ và nuôi dưỡng ước mơ của thầy.

Đây cũng là năm đầu tiên trường Lam Sơn đưa vào học chính thức một bộ môn hoàn toàn mới lúc bấy giờ: Tin học. Vì thế đối với thầy giáo trẻ Nguyễn Thanh Hùng, đây là một thử thách vô cùng lớn. Đã nhiều đêm, thầy Hùng đã phải thức trắng để lo việc tạo dựng cơ sở vật chất, chuẩn bị giáo án cũng như phương pháp dạy thế nào để học sinh có thể “chấp nhận” được môn học…

Với sự nhiệt huyết, hết lòng vì học trò, Tin học dần trở thành môn học mà mỗi học sinh đều muốn tìm tòi, khám phá. Sự say mê đã làm cho thầy và trò nhiều lúc quên cả thời gian. Ngay từ khóa học đầu tiên, cả 4 học sinh của thầy tham gia kỳ thi tuyển học sinh giỏi Tin học toàn quốc thì cả 4 em đều có giải. Vinh dự hơn là giải Nhất toàn quốc duy nhất lại thuộc về học sinh của thầy với số điểm 36/40 điểm (vượt trội so người về Nhì đạt 29/40) và là một trong số những học sinh được sang Achentina dự giải Olympic Tin học quốc tế.

Cũng trong khóa học ấy, tất cả 36 học sinh trong lớp thầy chủ nhiệm đều thi đỗ Đại học, có người đỗ 4-5 trường, nhiều người đạt điểm cao ở các trường lớn như Bách Khoa, KTQD Hà Nội, Tổng hợp, Dược, Học viện Quân sự…

Sau khóa dạy đầu tiên ở trường Lam Sơn, không thỏa mãn với những gì đã đạt được, thầy Hùng luôn trăn trở, Tin học là một lĩnh vực liên tục phát triển, nếu không tự trang bị cho mình thêm kiến thức thì rất dễ bị lạc hậu. Phải sau rất nhiều đêm đấu tranh tư tưởng, thầy Hùng mới quyết định chia tay mái trường mà thầy vô cùng gắn bó, để vào TP HCM tiếp tục học Cao học.

Ở một nơi hoàn toàn mới, lại phải vừa học, vừa làm thêm, vừa phải chăm lo cho gia đình nhỏ của mình, nhưng thầy vẫn luôn quyết tâm sẽ sớm trở lại với nghề dạy học. Thầy nhận dạy Tin học cho học sinh Khối chuyên Toán – Tin học Trường Đại học Tổng hợp TP HCM, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP HCM, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai) và sau đó gắn bó với Trường Phổ thông Năng khiếu (thuộc Đại học Quốc gia TP HCM) từ đó đến nay.

Vừa là thầy, vừa là… “bảo mẫu”

Dạy học ở đây, công việc của thầy khá vất vả, phải lo từ A đến Z như cách thầy vẫn nói vui. Đó là vừa phải phát hiện, bồi dưỡng các em có năng khiếu, đến việc đưa các em tham dự các giải trong nước và quốc tế. Mỗi lần như vậy mất hàng tháng trời, thầy vừa truyền cho học sinh kiến thức, vừa phải chăm lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ.

“Sức khỏe của các em còn quan trọng hơn cả việc học. Các em trong đội tuyển thường say mê đến mức quên chăm sóc bản thân. Tôi phải thường xuyên nhắc nhở các em phải nghỉ nghơi, ăn uống đầy đủ, đi ngủ sớm, thậm chí nhiều lúc còn... cấm học. Vừa dạy học, vừa làm “bảo mẫu” cho các em, đôi khi cũng thấy thú vị”- Thầy Hùng tâm sự.

Những năm trước, có lần đưa học sinh ra Hà Nội thi, nhìn thầy trò chẳng khác gì thầy trò Đường Tăng, quần áo, những cái CPU to đùng vác theo vì thời đó chưa có nhiều máy tính xách tay, mới thấy hết nỗi vất vả của thầy. Có lần, vào đúng đợt Hà Nội sốt virút, tất cả các em trong đội tuyển đều sốt cao. Thầy phải thức cả đêm để canh chừng và cho các em uống thuốc.

Đến ngày thi, em nào cũng mệt mỏi nhưng ai cũng cố gắng hết mình để không phụ công chăm sóc, dạy dỗ của thầy. Năm ấy, niềm vui lớn đã đến với thầy Hùng và các em: Cả nước có 5 học sinh đạt giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi Tin học quốc gia, thì học sinh của thầy Hùng đã “ẵm” 4 giải. Cũng trong năm đó, em Nguyễn Trung Hiếu đã giành được Huy chương Vàng quốc tế.

Liên tục trong các năm, hầu như năm nào thầy Nguyễn Thanh Hùng cũng có các học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Năm 1995, em Lê Thuỵ Anh giành HCĐ Quốc tế tại Hà Lan; năm 1996, em Phan Việt Hải giành HCB quốc tế tại Bungaria; năm 1999, em Nguyễn Trung Hiếu đạt HCV Quốc tế; năm 2001, học sinh Hữu Nhật đạt HCĐ Quốc tế; năm 2002, em Phạm Hữu Thành và em Nguyễn Thành Quang đạt giải Nhất quốc gia…

Từ năm 2007 đến nay, ở cương vị Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu TP HCM thuộc Đại học ĐHQG-TP HCM, dù phải dành nhiều thời gian cho công tác quản lý, nhưng “nghiệp” dạy học như duyên nợ đối với thầy. Thầy vẫn say sưa với việc dạy học và bồi dưỡng cho đội tuyển đi thi Tin học quốc gia, quốc tế.

Tính đến nay, thầy Nguyễn Thanh Hùng đã bồi dưỡng gần 200 em giành giải Tin học quốc gia và 15 em giành giải ở các kỳ thi Olympic Tin học quốc tế. Nhiều em sau khi tốt nghiệp ở các trường Đại học học danh tiếng ở Mỹ, Australia, Singapore... đã vào làm việc tại các hãng nổi tiếng như Microsoft, Facebook, Apple, Google và là Giáo sư tại các Trường và Viện ở nước ngoài.

Tất cả học trò đều là người thân

Thầy Hùng tâm sự, một trong những lý do mà thầy ngày càng yêu quý và gắn bó máu thịt với nghề dạy học chính là tình cảm của học sinh. Kể cả từ khóa học đầu tiên, 36 em học sinh của khóa đến tận bây giờ vẫn giữ liên lạc thường xuyên và sự kính trọng đối với người thầy của mình.

Đã hơn 20 năm trôi qua, nhưng mỗi bước trưởng thành của các em, đều có sự quan tâm, dõi theo của thầy Hùng. Đến nỗi, nếu hỏi ai làm gì, gia đình như thế nào… thầy đều thuộc như lòng bàn tay. Mỗi khi thầy có dịp ra Hà Nội, hoặc mỗi khi học trò có dịp vào miền Nam, thầy trò lại quây quần, ôn lại những kỷ niệm của một thời ở Lam Sơn đáng nhớ.

Không chỉ riêng khóa học này, mà tất cả học sinh của thầy, đều có sự yêu mến và kính trọng vô hạn đối với người thầy của mình. Bởi học từ thầy, mỗi học trò không chỉ được hun đúc sự say mê học tập, nghiên cứu mà là cả sự yêu thương cuộc sống, yêu thương con người và biết vượt qua mọi khó khăn để gắn bó với con đường mình đã chọn.

Nhiều em sau khi trưởng thành, lại nối tiếp nghiệp của thầy, trở thành giảng viên các trường Đại học trong và ngoài nước. Trong số này, em Ngô Minh Đức, huy chương Đồng Olympic Tin học quốc tế năm 2007, hiện đang làm việc tại hãng Facebook ở Mỹ, dù không làm nghề “gõ đầu trẻ” như thầy giáo Nguyễn Thanh Hùng, nhưng mỗi khi có dịp về nước lại cùng thầy bồi dưỡng kiến thức cho các em thế hệ tiếp theo. Thậm chí, ngay khi còn là sinh viên ở Sinhgapore, Minh Đức đã hỗ trợ thầy của mình dạy các em học sinh qua mạng internet.

Có rất nhiều học sinh của thầy, dù ở trong hay ngoài nước, mỗi khi thành công trong cuộc sống hay gặp khó khăn, đều muốn được chia sẻ với người thầy Hùng. Cũng có học sinh, trong cuộc sống đã vấp ngã, nhưng sau khi được thầy phân giải điều đúng sai, đã biết đứng dậy và trở thành những người thành đạt.

Dù sau hơn 20 dạy học, vẫn sống cuộc sống thanh đạm của một nhà giáo, nhưng thầy giáo Hùng lại luôn khoe rằng, mình là người giàu có, bởi tất cả các học sinh được thầy dạy dỗ, luôn dành cho thầy một tình cảm đặc biệt của của một người trò, một người thân trong gia đình.

Với thầy giáo Nguyễn Thanh Hùng, đây chính là phần thưởng vô giá khi thầy đã dành trọn đam mê và tâm huyết cho nghề cao quý: Nghề dạy học./.