Vụ 40 học viên ở tỉnh Thanh Hóa nộp hơn 1 tỷ đồng để "chống trượt" trong cuộc thi đầu vào lớp Cao học ngành Quản lý kinh tế do trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thêm một lần gây bức xúc dư luận về tình trạng gian lận trong thi cử và nạn sính bằng cấp trong quá trình tuyển dụng, bố trí cán bộ công chức. Sự việc cho thấy đã đến lúc báo động về sự sa sút phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ công chức Nhà nước.

Vụ việc chắc sẽ không ai biết, nếu những cán bộ ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh Hóa dùng hơn 1 tỷ đồng để “ chống trượt” thành công cho 40 học viên đã nộp tiền như học đã hứa. Tiếc tiền bỏ ra mà vẫn không đỗ cao học nên 37 người đã đến trung tâm đòi lại. Vụ chạy chọt bất thành đã gây ồn ào dư luận, cơ quan chức năng đã vào cuộc, 3 cán bộ sai phạm ở Trung tâm giáo dục thường xuyên Thanh Hóa đã bị kỷ luật, chuyển công tác khác.

thanh_hoa_1_yzzv.jpgTrung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Thanh Hóa, nơi xảy ra sai phạm nghiêm trọng (ảnh: giaoduc.net)

Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm là cần đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi sai phạm để có biện pháp xử lý triệt để. Bởi đây đâu phải là chuyện đồng quà tấm bánh mang tính xã giao, động viên các giám thị, giám khảo không quản đường xa vất vả về tận địa phương tổ chức lớp học, giúp cán bộ cơ sở có cơ hội học tập nâng cao trình độ. Mà với số tiền hơn 1 tỷ đồng này nếu đưa trót lọt thì có lẽ, số người đỗ cao học sẽ cao hơn rất nhiều. Và đó, thực sự là một cuộc đổi chác, hay chính xác hơn là một vụ đưa và nhận hối lộ trong thi cử.        

Từ vụ "chống trượt" bất thành này, nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao những người tổ chức lớp Cao học này ở Thanh Hóa lại nghĩ ra cách thu tiền tập thể của học viên để “chạy chọt ” với đơn vị liên kết nhằm đảm bảo ai nộp tiền người ấy sẽ đỗ? Không nói thì ai cũng hiểu, vụ “chống trượt” nếu trót lọt, sẽ mang lại một món lợi vật chất không nhỏ cho những người đưa và nhận tiền bôi trơn.      

Giả sử học cao học là điều kiện bắt buộc để người lao động có thể tìm một việc làm nuôi sống bản thân thì việc họ cố tìm cách nọ cách kia để trúng tuyển, cũng đành một nhẽ! Đằng này, 40 người nộp tiền “chống trượt” cao học ở Thanh Hóa vừa rồi đều đã có việc làm, thu nhập ổn định. Trong đó, có 29 người là cán bộ công chức đang làm việc tại các huyện, thị, Sở, ngành trong tỉnh. Vì sao họ phải chung chi để "chống trượt" Cao học với số tiền nhiều gấp mấy lần tiền lương hằng tháng, nhất là những người đang công tác ở miền núi. Phải chăng, tấm bằng Cao học đối với họ chỉ là để dày thêm tập hồ sơ cán bộ, thêm chút tiêu chuẩn về bằng cấp để có thể tiến gần hơn đến chiếc ghế cao hơn?  Bởi nhiều người trong danh số này thuộc diện quy hoạch cán bộ nguồn, nay mai sẽ nắm giữ vị trí lãnh đạo ở các cơ quan Nhà nước.

Vụ việc cũng khiến dư luận có cơ sở để nghi ngờ về những tiêu cực trong hoạt động liên kết đào tạo đại học, cao học giữa các Viện, trường Đại học với các địa phương. Nhiều nhà quản lý đã từng lên tiếng cảnh báo tình trạng đào tạo sau đại học một cách tràn lan, thiếu kiểm soát, không chỉ gây lãng phí cho xã hội mà còn dẫn tới tình trạng đất nước ngày càng có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ "giấy", bằng cấp cao nhưng năng lực thấp. Có điều đáng buồn là tình trạng này lại đang được không ít cơ quan nhà nước tiếp tay qua việc đề cao bằng cấp khi tuyển dụng, bố trí nhân sự, đề bạt các chức danh lãnh đạo quản lý mà ít quan tâm đến thực lực của cán bộ công chức.

Nạn "học giả, bằng thật" cũng như tâm lý sính bằng cấp đang trở thành thực trạng đáng báo động. Nếu không dẹp bỏ, ắt sẽ là mối nguy hại cho nền công vụ của đất nước. Tuy chưa có thước đo chuẩn mực để đánh giá tỷ lệ hiệu quả công việc với bằng cấp, nhưng không khó để so sánh người có năng lực thật sự với người có yếu kém chuyên môn. Vấn đề là các nhà tổ chức cần đánh giá, tuyển chọn, qui hoạch, bổ nhiệm... những người học thật, có trình độ thật chứ không phải là những người bằng mọi giá để có bằng cấp. Phải ngăn chặn triệt để nạn dùng tiền để chống trượt cho bằng cấp để không làm sụt trượt hơn nữa các giá trị về đạo đức, phẩm chất của đội ngũ cán bộ công chức, góp phần làm trong sạch, lành mạnh bộ máy công quyền./.