Vụ nộp tiền “chống trượt” của 40 học viên tham gia thi Cao học Quản lý kinh tế (Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) ở tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận.
3 cán bộ phòng Quản lý đào tạo của Trung tâm GDTX đã tham gia tổ chức đấu mối, nhận và giữ số tiền 1,08 tỷ đồng của 40 học viên, nhằm giúp học viên đậu vào kỳ thi Cao học lớp Quản lý kinh tế trường Đại học Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Tuy nhiên, trong số 40 học viên này chỉ có 7 người trúng tuyển. Nhiều học viên không trúng tuyển đã đề nghị cán bộ phòng Quản lý đào tạo của Trung tâm GDTX Thanh Hóa trả lại số tiền dùng để “ bôi trơn” đầu vào.
Sau khi kiểm tra, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa vừa có kết luận, đặc biệt, trong danh sách các học viên tham gia khóa học có những người đang công tác tại các cấp huyện, Sở ở Thanh Hóa. Một số học viên hiện đang công tác tại các cấp huyện, Sở như: Lưu Thị Nga, Lê Thị Bích Hằng, Nguyễn Xuân Thắng (Sở Công thương Thanh Hóa); Lê Thị Bích Ngọc (Sở TN&MT Thanh Hóa); Lương Văn Thắng, Đỗ Thị Hương (Sở Kế hoạch và đầu tư Thanh Hóa); Hoàng Thị Hằng (Huyện Ủy Quảng Xương); Lê Hải Hà (UBND huyện Như Xuân); Lê Anh Thắng (UBND huyện Thiệu Hóa); Hoàng Đình Quý (huyện ủy Triệu Sơn); Nguyễn Thị Hương (Hội nhà báo tỉnh Thanh Hóa)…
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của đội ngũ nhà giáo
Bày tỏ bức xúc về vụ việc này, hàng trăm độc giả đã viết thư về VOV.VN cho rằng, đây là việc làm sai trái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của đội ngũ nhà giáo. Vì thế vụ việc cần phải được xử lý một cách nghiêm minh. Nhiều người cũng lo ngại rằng, tình trạng này không phải là cá biệt mà đang xảy ra ở khá nhiều nơi hiện nay.
“Phải xem xét lại hệ vừa làm vừa học, vì chất lượng không thực chất và có nhiều tiêu cực, cán bộ muốn học lên phải thi chính quy và phải học hệ chính quy. Cho đến nay, liệu không biết có bao nhiêu cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đã nộp tiền “chống trượt” để có được tấm bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ vừa làm vừa học. Đó cũng là nguyên nhân khiến bộ máy công quyền yếu kém triền miên, là nguyên nhân dẫn đến 162.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp”- Bạn hoang hoa dinh băn khoăn.
Cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng giáo dục hiện nay, độc giả Châu Hạnh Phúc trăn trở “Cán bộ, đảng viên còn làm những việc tắc trách, vô trách nhiệm trong thi cử như thế thì làm sao ngăn ngừa được nạn tiêu cực thi cử ở ở em học sinh. Nên xử ký nghiêm đối với những người vi phạm, thì mới ngăn chặn được vấn nạn này về sau”.
Còn bạn đọc Lê Thị Huệ cho rằng, cán bộ công chức Nhà nước là những người nằm trong các cơ quan lãnh đạo mà còn làm những việc vi phạm nghiêm trọng như vậy, thậm chí họ làm việc trong môi trường giáo dục thì còn dạy ai? “Những kẻ này cần phải có biện pháp xử lý đích đáng. Không nên dừng lại ở việc khiển trách. Không nên tiếp tay cho những kẻ tham nhũng, coi thường luật pháp”.
Cùng trăn trở, độc giả Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, những công chức có thẩm quyền mà tiêu cực như thế này thì còn chống ai tiêu cực? Sinh viên được đào tạo chính qui ra trường thì không có chỗ để làm việc, trong khi những cán bộ kém năng lực, phải dùng tiền “chống trượt” này lại ung dung làm việc ở các cơ quan công quyền. “Nếu không mạnh tay với tệ nạn này, đất nước làm sao phát triển được”.
Xử lý nghiêm mới tạo được lòng tin trong nhân dân
Bạn đọc Quan Sát cho rằng, việc nộp tiền “chống trượt” cao học hiện nay khá phổ biến. Đây là điều rất buồn, vì khi có tấm bằng cao học, nhiều người sẽ leo được tới những vị trí cao hơn. “Tư tưởng dùng tiền để giải quyết vấn đề sẽ làm băng hoại đạo đức. Còn những người có thừa khả năng học hành nhưng thiếu tiền sẽ không còn cơ hội, thiệt cho họ một, thiệt cho đất nước một ngàn”.
Theo độc giả Trần, đây là mầm mống của tham nhũng. Những kẻ đưa tiền để mua điểm cần phải “bêu danh” lên mạng, gửi về đơn vị đề nghị kỷ luật (có thể khai trừ ra khỏi Đảng nếu là Đảng viên). Kẻ nhận tiền cần tổ chức thu hồi số tiền trên và nộp vào công quỹ và nhất thiết phải kỷ luật (đuổi việc). Có như vậy mới tạo được lòng tin trong nhân dân.
Bạn đọc Lê Trung Hiếu kiến nghị: “Cần tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ vấn đề thi tuyển công chức trên cả nước chứ không chỉ cá nhân tỉnh thành phố nào. Như vậy mới đảm bảo chất lượng đội ngũ công chức có năng lực, trình độ thực thụ để phục vụ cho đất nước và nhân dân. Cần rà soát lại tất cả các văn bằng chứng chỉ trước khi thi tuyển công chức, tránh việc tổ chức thi tuyển rồi mới lục lại hồ sơ không hợp lệ. Xử lý nghiêm minh những trường hợp chạy chọt bằng cấp giả để được dự thi tuyển công chức”.
Trong trả lời phỏng vấn VOV.VN, ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh “Sai phạm của các cán bộ Trung tâm GDTX và học viên đã quá rõ ràng. Việc làm này vi phạm vào các quy chế của Bộ Giáo dục- Đào tạo và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của đội ngũ giáo viên và ngành Giáo dục của tỉnh Thanh Hóa”.
“Quan điểm của tỉnh là căn cứ vào tính chất, mức độ để xử lý nghiêm, không nhân nhượng, không cho qua việc này”-Ông Vương Văn Việt nhấn mạnh./.