Để giáo dục Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu xã hội và hội nhập với các nước trong khu vực cũng như thế giới, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ra Nghị quyết 29-NQ/TW thông qua Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”. Trong lộ trình đổi mới toàn diện nền giáo dục, Bộ GD-ĐT đang tiến hành xây dựng Dự thảo “Đề án xây dựng chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, Đề án đổi mới SGK phổ thông đang được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi diện mạo của nền giáo dục. Việc thay đổi chương trình SGK phải đảm bảo chất lượng giáo dục, tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Vì vậy, việc biên soạn chương trình đổi mới SGK không chỉ dừng lại ở cung cấp kiến thức mà phải phát huy được tính sáng tạo, chủ động tìm hiểu tri thức không chỉ trong sách vở mà còn ở trong cuộc sống ở người dạy và người học. Việc đổi mới chương trình SGK cũng phải tiếp cận theo hướng hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực toàn diện của học sinh, sinh viên.
Giáo viên mới là nhân tố quan trọng…
Đổi mới chương trình SGK là nhu cầu tất yếu của cải cách giáo dục. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học, cán bộ giáo dục lại cho rằng, một bộ SGK hay không phải là yếu tố quyết định đến sự thay đổi toàn diện chất lượng giáo dục. Nhân tố đóng vai trò quyết định chính là đội ngũ giáo viên.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và là người từng tham gia viết SGK cũng như nghiên cứu cách viết SGK ở nhiều nước cho rằng, chương trình và SGK chỉ là yếu tố quan trọng chứ không quyết định thành công của đổi mới giáo dục. Giáo viên rất cần có những bộ SGK chuẩn và hay để hình thành, phát triển kiến thức, kĩ năng cho học sinh. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục lại không hoàn toàn phụ thuộc vào SGK.
Trong thời kỳ phogsgg kiến xưa kia, chương trình đào tạo của các trường Nho học chưa hẳn là tốt nhưng vẫn đào tạo cho đất nước những nhà khoa bảng xuất sắc. Chương trình Nho học không dạy Toán nhưng đất nước ta lại có những nhân tài như Lương Thế Vinh - người đã viết thành công quyển Đại thành Toán pháp có nhiều công thức tính toán và đo đạc phù hợp với cách thức tính toán, đo đạc của châu Âu lúc đó.
Cũng xuất thân từ nhà trường phong kiến, Nguyễn Công Trứ không chỉ có tài văn chương mà còn là một nhà kinh tế có công khai khẩn đất hoang, phát triển kinh tế ở vùng duyên hải Bắc Bộ, đồng thời là một người cầm quân giỏi.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, khi bắt đầu đổi mới chương trình, SGK năm 2000, Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo là chương trình, SGK phải tạo được sự chuyển biến trong phương pháp dạy và học bằng cách phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục tình trạng đọc - chép…
Tuy nhiên, trên thực tế, tư tưởng mới đó đã không áp dụng được ở nhiều trường. Trong quá trình giảng dạy, nhiều thầy cô giáo đã không thực hiện được những chủ trương mới, không có sự đổi mới trong giảng dạy. Ví dụ, đối với môn Ngữ văn, SGK đã yêu cầu giáo viên không dạy theo kiểu cung cấp văn mẫu cho học sinh nhưng ở nhiều trường, giáo viên vẫn yêu cầu học sinh nhái theo những bài văn đã có sẵn. Nguyên nhân chính là do giáo viên còn “lười” đổi mới, chưa thấy được hết những tác hại của việc cho học sinh “nhái” theo bài văn mẫu.
Những bằng chứng trên cho thấy, yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục là con người, mà cụ thể ở đây là đội ngũ giáo viên. Vì vậy, đổi mới giáo dục là phải đổi mới công tác đào tạo ở các trường sư phạm và đổi mới công tác bồi dưỡng giáo viên để các thầy cô thay đổi cách thức dạy học cũ kĩ.
Cải cách giáo dục phải từ các trường sư phạm
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, trong lộ trình thay đổi chương trình SGK, từng cấp học, trường học cần chủ động hướng dẫn để giáo viên thích nghi được với những thay đổi của chương trình, SGK mới. Các trường cũng cần tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên để họ có được những kỹ năng, phương pháp giảng dạy theo kịp với xu thế đổi mới.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, cải cách giáo dục phải gắn trường sư phạm với thực tế giảng dạy phổ thông, sinh viên chỉ nên học một nửa thời gian ở trường, còn lại là thời gian tiếp xúc và thực hành giảng dạy ở các trường phổ thông. Khi được tiếp xúc với môi trường học đường, trải nghiệm thực tế giảng dạy, sinh viên sẽ trở thành những giáo viên có kiến thức, kỹ năng giảng dạy tốt hơn.
Từng là người quản lý và nghiên cứu về các trường sư phạm, GS Đinh Quang Báo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học sư phạm cho rằng, trên thực tế hiện nay, chương trình SGK của nhiều môn học vẫn còn nặng theo hướng trang bị kiến thức hàn lâm, chưphát huy được năng lực của giáo viên và ý thức học tập của người học.
SGK hay chỉ là nguồn tư liệu hỗ trợ cho giáo viên trong giảng dạy, chứ không thể quyết định chất lượng đào tạo. Các trường học muốn có giáo viên giỏi thì phải chú trọng đến Đề án phát triển hệ thống trường sư phạm.
Bộ GD-ĐT đã có những dự án trường thực hành sư phạm, để lấy đó là môi trường thực hành nghề nghiệp cho sinh viên. Nếu phát huy tốt mô hình này thì chắc chắn chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên tương lai sẽ có sự khởi sắc.
Từ khi giành được độc lập (năm 1945) đến nay, nước ta đã 3 lần tiến hành cải cách giáo dục (năm 1950, 1956 và 1981) và 3 lần đổi mới chương trình SGK. Việc đổi mới chương trình SGK chủ yếu tập trung ở bậc phổ thông, chứ chưa chú trọng đến đổi mới SGK bậc đại học và dạy nghề.
Hiện nay, Dự thảo Đề án Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đang được Quốc hội xem xét, thảo luận. Song song với đổi mới chương trình SGK phổ thông thì Bộ GD-ĐT cần bổ sung đổi mới SGK bậc đại học và dạy nghề. Bởi vì cấp học này sẽ quyết định cung cấp chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước. Nếu chương trình SGK ở những cấp học này không chỉnh sửa và cải biên thì sẽ ảnh hưởng tới việc tiếp cận nguồn tri thức mới của sinh viên./.