Việc biên soạn, đổi mới sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông nên theo hướng làm cuốn chiếu từng môn, từng cấp học hay làm một mạch từ lớp 1 -12; khi xã hội hóa SGK thì sẽ kiểm soát chất lượng SGK như thế nào… Đó là những nội dung chính được đưa ra phân tích, bàn luận tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông diễn ra ngày 28/8.

Có nhiều bộ SGK là cần thiết

Chương trình giáo dục phổ thông và SGK hiện hành đã đạt được những bước tiến bộ nhất định so với chương trình trước đây. Tuy nhiên, SGK giai đoạn 2002-2014 vẫn còn những vấn đề cần giải quyết trên tinh thần kế thừa và tiếp tục đổi mới cho giai đoạn sau 2015. Đây là ý kiến của PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

ba_tam_dan_wwbe.jpg
PGS.TS Trần Thị Tâm Đan

Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông phải gắn với với nội dung, phương pháp và hình thức thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo phương pháp tích hợp ở bậc Tiểu học và THCS, phân hóa sâu ở cấp THPT, tạo điều kiện phát huy năng lực cá nhân, định hướng nghề nghiệp và chuẩn bị tốt cho học sinh ở bậc đại học.

PGS.TS Trần Thị Tâm Đan tán thành với phương án Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác, nhất là SGK cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Khi Bộ GD-ĐT đã khuyến khích viết SGK thì nên có cơ chế đối xử bình đẳng với các đơn vị, cá nhân biên soạn. Nếu Bộ cho phép biên soạn nhiều bộ SGK thì trường học sẽ có quyền chọn lựa sách giáo khoa của nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân nào cũng là chuyện bình thường. Việc chọn lựa SGK nào hay, phù hợp với chương trình học sẽ do trường học quyết định.

Còn phương án Bộ không chỉ đạo biên soạn SGK mà để cho các tổ chức, cá nhân đáp ứng nhu cầu biên soạn SGK là không thể thực hiện được vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm để cho các đơn vị, cá nhân tự viết sách và có trách nhiệm đối với nội dung trong SGK.

Bộ cần quy định rõ việc phân quyền lựa chọn SGK

Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ mối lo ngại đối với việc phân quyền lựa chọn SGK. Nếu Bộ khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK thì có nghĩa là trong một chương trình học của một lớp học, môn học sẽ nhiều loại SGK khác nhau. Liệu việc phân quyền lựa chọn sử dụng loại sách sẽ do từng lớp, từng cấp học, từng trường hay từng khu vực quy định?

Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc

Việc phân quyền lựa chọn bộ SGK ở các nước trên thế giới đã được thực hiện một cách rất cụ thể, rõ ràng nhưng nếu như Việt Nam hướng tới có nhiều bộ SGK thì việc phân quyền lựa chọn là một việc làm rất khó vì sẽ có nhà trường học theo SGK của Bộ GD-ĐT, có trường học theo SGK của nhà xuất bản nào đó hoặc có trường học tổng hợp nhiều loại SGK. Để đảm bảo kiểm định chất lượng SGK cũng như để các trường không lúng túng chọn loại sách nào, Bộ GD-ĐT cần phân quyền và quy rõ trách nhiệm lựa chọn sử dụng bộ SGK trong Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Theo Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc, việc đổi mới chương trình, SGK dù có theo phương án nào đi chăng nữa thì không thể quan trọng và quyết định bằng việc đổi mới cách giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh.

Có thể biên soạn SGK mới theo hình thức cuốn chiếu

Đồng tình với quan điểm cần có nhiều bộ SGK nhưng GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lại băn khoăn khi chọn lựa SGK và những hệ lụy tiêu cực trong quá trình chọn sách.

Cách thức nào để ngăn chặn tiêu cực trong việc lựa chọn SGK; khi một Giám đốc Sở GD-ĐT hết nhiệm kỳ, Hiệu trưởng một trường học nghỉ hưu thì các trường có thay SGK không? Học sinh lớp dưới có học được SGK của học sinh lớp trên nữa hay không? Khi thực hiện công tác xã hội hóa SGK, Bộ GD-ĐT cần nghĩ đến giải quyết những vấn đề trên một cách khoa học thì việc giao quyền tự chọn SGK mới không bị phản ứng từ phía dư luận xã hội.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết

Ngoài ra, trong việc biên soạn SGK mới, Bộ GD-ĐT đã thực sự đảm bảo tất cả các sách sẽ phát huy được năng lực của học sinh và có nên nhất thiết phải thay toàn bộ sách hay không. Ví dụ như SGK môn Ngữ văn mới và hiện tại đều có nhiều điểm tương đồng như nhau thì có nhất thiết phải thay sách?

Không đồng ý với phương án đổi mới toàn diện SGK, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, Bộ GD-ĐT chỉ nên thay đổi SGK ở những môn học nào đó không còn cập nhật kiến thức so với hiện tại. Còn lại những môn học đã phù hợp thì nên tiếp tục để cho học sinh sử dụng tiếp chứ không nên thay đổi toàn bộ SGK phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà xuất bản thuộc ngành Giáo dục nên đứng ra chịu trách nhiệm biên soạn SGK ở cấp Tiểu học và SGK các môn Khoa học Xã hội. Còn các môn học Khoa học tự nhiên thì có thể do các tổ chức, cá nhân biên soạn nhưng dưới sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của Bộ.

Khi đã quyết định biên soạn lại SGK thì phải thay đổi toàn bộ

Việc thay SGK phổ thông theo hình thức cuốn chiếu, chỉnh sửa từng bước sẽ không mang lại kết quả khả quan trong việc thúc đẩy đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Đó là ý kiến của PGS Văn Như Cương.

Theo dự kiến, Bộ GD-ĐT đưa ra lộ trình là khoảng 2022 sẽ kết thúc Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, nhưng kinh nghiệm cho thấy thời gian có thể phải kéo dài đến năm 2024. Trong khoảng 10 năm để Việt Nam thực hiện thay đổi cơ bản và toàn diện nền giáo dục là quá dài, khó chấp nhận được nếu như trên thế giới có những cuộc cải cách toàn diện về giáo dục. Lúc đó, nước ta sẽ rơi vào thế bị động và không thể theo kịp với nền giáo dục trên thế giới khi mà việc đổi mới toàn diện nền giáo dục của nước ta chưa kịp hoàn thành.

PGS Văn Như Cương

Việc biên soạn SGK không thể theo kiểu người này viết xong thì người khác vẫn đang nghiên cứu. Làm như vậy là không khoa học, dễ xảy ra sự chồng chéo và phải chỉnh sửa nhiều lần.

Nếu trong một trường học, học sinh lớp 1, 2, 3 học theo chương trình SGK mới nhưng lớp 4, 5 vẫn học theo SGK cũ thì sẽ khiến cho nhà trường khó quản lý, tổ chức điều hành giảng dạy. Hơn nữa, việc biên soạn SGK theo hình thức cuốn chiếu sẽ chỉ làm tăng chi phí chỉnh sửa, bổ sung và phát hành...

PGS Văn Như Cương kiến nghị với Bộ GD-ĐT và Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội rằng, việc đổi mới chương trình SGK phổ thông nên được thực hiện đồng loạt từ lớp 1 đến 12, chứ không nên thực hiện manh mún, chắp vá, tránh thay đổi nhiều, gây xáo trộn trong giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh./.

Dự thảo 2 phương án triển khai Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông

Phương án 1: Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác, nhất là SGK cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Phương án 2: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức biên soạn những SGK mà các tổ chức, cá nhân không đăng ký biên soạn./.