Trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII về Đề án đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục đào tạo, trong đó có có đổi mới sách giáo khoa phổ thông, đến năm 2015, GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên – Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, có thể tồn tại nhiều bộ sách giáo khoa, với điều kiện Nhà nước đầu tư xây dựng một bộ sách giáo khoa để làm chuẩn, không nên đầu tư cho nhiều bộ sách giáo khoa, như thế sẽ tốn kém và lãng phí.

ong%20dao%20trong%20thi%202.jpg
GS.TSKH Đào Trọng Thi

Bên cạnh đó, các địa phương, tổ chức nếu có điều kiện, ý tưởng có thể xây dựng nhiều sách giáo khoa khác, trên cơ sở bộ sách chuẩn. Nếu những bộ sách giáo khoa đó thuyết phục được người học, người thầy thì họ sẽ bỏ tiền ra mua.

Theo ông Đào Trọng Thi, Việt Nam chỉ có thể thực hiện được chính sách đó trên cơ sở ban hành được chương trình chuẩn, chi tiết, trong khi chương trình hiện nay không đáp ứng được yêu cầu này. Bởi nếu không có chương trình chuẩn, chi tiết thì các bộ sách giáo khoa sẽ rất khác nhau, trong khi học sinh cần chuẩn kiến thức, nền tảng chung để các em tham dự các kỳ thi.

Do đó, theo GS.TSKH Đào Trọng Thi, trong chương trình đổi mới sách giáo khoa sắp thực hiện, điều quan trọng là làm đúng quy trình, đó là phải có chương trình chuẩn, chi tiết trước, sau đó có thể cho phép biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa trên cơ sở chương trình đó.

Các bộ sách giáo khoa này phải được Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức thẩm định và cho phép sử dụng chính thức ở các trường. Khi đó, các trường có thể lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với học sinh, cũng như thực tế địa phương.

Ông Đào Trọng Thi cũng cho biết, qua khảo sát cho thấy nhiều địa phương có nguyện vọng xây dựng nhiều bộ sách giáo khoa./.