Phó giáo sư (PGS) Nguyễn Xuân Hùng (41 tuổi) đã lọt vào danh sách tốp 1% nhà khoa học thế giới có ảnh hưởng trích dẫn cao theo công bố của Hãng thông tấn và dữ liệu Thomson Reuters.

PGS Nguyễn Xuân Hùng đã có hơn 110 bài báo quốc tế ISI, 3 năm liên tục được xếp vào tốp 1% nhà khoa học thế giới có ảnh hưởng trích dẫn cao, được Quỹ Alexander von Humboldt của Đức trao giải thưởng nghiên cứu, là người đầu tiên được nhận giải thưởng Nguyễn Văn Đạo, có đóng góp đáng kể cho nghiên cứu và đào tạo nước nhà.

Tuy nhiên, trong đợt xét tặng chức danh GS năm 2016, ông đã bị “trượt” chức danh cao quý này.

Nguyên nhân khiến PGS Nguyễn Xuân Hùng không đạt được chức danh GS là vì khi xét hồ sơ của ông ở hội đồng ngành, tất cả thành viên đều bỏ phiếu đồng ý mà không để ý điểm sách của ông (2,6 điểm). Số điểm này không đủ điểm tối thiểu theo quy định hiện hành (điểm sàn là 3).

Trong khi đó, quy trình xét hiện nay thì ở cấp Nhà nước, hội đồng không chấm lại hồ sơ mà chỉ rà soát kết quả chấm ở từng hồ sơ của hội đồng ngành gửi lên. Từ trước đến nay cũng chưa có tiền lệ hội đồng nhà nước yêu cầu hội đồng ngành chấm lại hồ sơ nào.

giao_su3_rfif.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước Trần Văn Nhung trao giấy chứng nhận cho các nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh GS năm 2016

Việc một PGS có nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc, hữu ích cho xã hội, được thế giới đánh giá cao bị “rớt” chức danh GS đã khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần phải thay đổi những tiêu chuẩn “cứng” trong việc phong tặng chức danh GS, PGS cũng như giao thẩm quyền phong tặng học hàm cao quý này về cho các trường ĐH, học viện.

Nhận định về sự việc trên, trả lời báo Thanh niên, GS Ngô Bảo Châu cho biết, do yếu tố lịch sử nên khái niệm GS của Việt Nam hiện rất khác với thế giới. Thế giới thì GS là một chức vụ trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Vì thế nó có một số lượng chỉ tiêu nhất định, khi thiếu chỉ tiêu (chẳng hạn do có một ông GS nào đó về hưu) thì họ sẽ tuyển người mới. Với các khoa, việc tuyển GS rất quan trọng, vì họ là những nhà khoa học đầu ngành, là linh hồn của khoa trong tương lai. Chất lượng của GS ảnh hưởng tới sự sống còn của khoa. Một khoa tuyển dụng 3 ông GS mà toàn ông hỏng thì khoa đó “tiêu”, bởi GS mà kém thì những người do ông ấy tuyển vào cũng sẽ kém.

Mỗi lần tuyển, mỗi khoa chỉ xét 1 - 2 trường hợp nên họ có thời gian xem hồ sơ của ứng viên rất kỹ. Tất nhiên, họ không bao giờ quan tâm những chỉ tiêu đã được lượng hóa như cách mà Việt Nam đang làm, kiểu như có đủ số bài báo quốc tế, hay số sách đã viết, số tiến sĩ đã đào tạo... vì trong bối cảnh giáo dục ĐH thế giới ngày nay, những con số đó không mấy ý nghĩa. Thường thì các trường xem xét sự ảnh hưởng của người mà họ muốn tuyển dụng tới ngành nghiên cứu mà khoa đang muốn thúc đẩy nó phát triển như thế nào.

GS Ngô Bảo Châu cho rằng, giới khoa học đều ưu tiên cho việc nghiên cứu, nghiên cứu những gì đang nóng bỏng nhất. Những người đang ưu tiên thời gian nghiên cứu vào những gì nóng bỏng nhất thì họ không có thời gian viết sách. Thường khi người ta lớn tuổi rồi, hoặc muốn “chậm” lại một chút thì ai thích mới viết sách. Còn khi đang hăm hở nghiên cứu thì họ muốn khám phá những cái mới, kết quả khám phá đó là các bài báo. Quy định viết sách có lẽ là một quy định tương đối cổ hủ, lạc hậu, theo quan niệm GS của thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, không phải là quan niệm của hiện nay.

Trả lời báo Điện tử VOV.VN về vụ việc này, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân nêu ý kiến, ở các nước phát triển, việc làm này là thuộc trách nhiệm từ phía các trường ĐH, học viện. Tùy từng trường sẽ có những tiêu chuẩn bình chọn, cách thức khác nhau.

Còn ở Việt Nam, việc phong hàm chức danh GS, PGS là do Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước quyết định, với những tiêu chuẩn “cứng” cụ thể. Các ứng cử viên muốn đạt được chức danh GS, PGS bắt buộc phải đạt được tiêu chuẩn đưa ra.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt như những nhà khoa học thực sự xuất sắc, có nhiều đóng góp, đem lại niềm tự hào cho đất nước như PGS Nguyễn Xuân Hùng thì vẫn có thể được đặc cách, bỏ qua một số tiêu chuẩn để nhận chức danh GS. Quyền đặc cách này thuộc về hội đồng của ngành và Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước.

Nếu không làm tốt thì gánh nặng sẽ đổ lên quỹ bảo hiểm, hưu trí

Thời gian qua, một số ý kiến cho rằng, việc phong hàm chức danh GS, PGS nên giao cho các trường ĐH, học viện quyết định.

Theo PGS, TS Phạm Hồng Chương, điều này là việc sớm hay muộn Việt Nam phải thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện được thì đòi hỏi điều kiện về kinh tế-xã hội của đất nước, nhận thức xã hội thay đổi và sự tự chủ của các trường ĐH. Như vậy, sự đánh giá GS, PGS của các trường ĐH mới thực sự trung thực, khách quan và đạt được tiêu chuẩn tương đồng với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Sở dĩ các trường ĐH, học viên ở các nước phát triển thực hiện được việc phong hàm chức danh GS, PGS là vì trình độ học thuật, nhận thức của xã hội, các trường ĐH về việc có được những người giỏi và cống hiến thực sự trong khoa học, giảng dạy hơn hẳn so với Việt Nam.

Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, việc giao cho các trường ĐH có quyền phong hàm chức danh GS, PGS ở Việt Nam phải trải qua quá trình chuyển đổi dần dần, chứ không thể thực hiện ngay được. Bước đầu tiên, chúng ta có thể chọn lựa một số trường làm thí điểm kèm theo những quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn.

Đi kèm theo việc phong hàm chức danh GS, PGS phải gắn liền với sự cải tạo đồng bộ bộ máy công chức, viên chức, quy định về lương, bảo hiểm... Điều này để tránh việc giao trách nhiệm cho các trường ĐH, học viện nhưng lại phong tặng chức danh GS, PGS một cách thoải mái. Nếu không làm tốt thì gánh nặng về ngân sách Nhà nước sẽ đổ lên quỹ hưu trí, bảo hiểm./.