Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS), Bộ GD-ĐT đang khẩn trương phối hợp cùng với Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước xây dựng dự thảo văn bản mới thay thế Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS.

Dự thảo văn bản mới sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận với cách làm và chuẩn mực của các nước có nền giáo dục tiên tiến theo lộ trình thích hợp, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Ngoài ra, Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước cũng đề xuất với Chính phủ và Bộ GD-ĐT về việc nâng cao tiêu chí khoa học với thạc sĩ, tiến sĩ (ThS, TS).

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn Giáo sư, tiến sĩ khoa học (GS.TSKH.) Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.

giao_su_tran_van_nhung_nzhu.jpg
 Giáo sư, tiến sĩ khoa học (GS.TSKH.) Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước

PV:Luật Giáo dục Đại học có đề cập rất rõ đến quyền tự chủ của các trường ĐH trong các vấn đề: Tuyển sinh, tài chính, nhân sự, nghiên cứu khoa học. Nhiều trường ĐH đã đề xuất là việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS nên do trường quyết định. Vậy Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nướctiếp nhận đề xuất của các trường ĐH như thế nào, thưa GS?

GS.TSKH.Trần Văn Nhung: Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước đang phối hợp với Bộ GD-ĐT soạn thảo văn bản thay thế Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam rất quan tâm và đã có ý kiến chỉ đạo Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan xây dựng lộ trình nâng cao chất lượng khoa học và giáo dục theo chuẩn mực quốc tế, tăng cường tính tự chủ của các trường ĐH trong việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS.

Sau khi dự thảo xong về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS, Ban soạn thảo sẽ trưng cầu ý kiến của các GS, PGS, các nhà khoa học, nhà giáo ở các cơ sở giáo dục đại học và những người quan tâm, có kinh nghiệm ở trong và ngoài nước. Ban soạn thảo sẽ tổ chức các hội thảo để thảo luận và tiếp thu các ý kiến đóng góp.

Dự kiến là cuối năm nay, Ban Soạn thảo sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ dự thảo văn bản mới thay thế Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS.

Chất lượng củatiến sĩsẽkéo theo chất lượng của đội ngũ GS, PGS

PV:Để dự thảo có thểnâng caomạnh mẽchất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên ở các trường ĐH, theo GS, Việt Nam cần chuẩn bị và thay đổi những điều kiện cần thiết nào?

GS.TSKH.Trần Văn Nhung: Việc xây dựng đội ngũ nhà giáo có trình độ cao ở các trường ĐH là yếu tố rất quan trọng. Các GS, PGS là lực lượng “đầu tầu” đào tạo, hướng dẫn giảng viên, nghiên cứu sinh và nâng cao chất lượng giảng dạy và NCKH ở các trường ĐH.

Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước đã đề nghị với Chính phủ, Bộ GD-ĐT có lộ trình phân cấp việc đào tạo ThS, TS và xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho các cơ sở giáo dục đại học. Chúng ta cần tham khảo và học tập kinh nghiệm quốc gia (30-40 năm trước) và quốc tế để tăng cường quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH nhưng kiểm soát rất chặt mặt bằng chất lượng khoa học quốc gia. Ví dụ như: mặc dù phân cấp rất mạnh nhưng CHLB Nga có BAK, CH Hungary có TMB…, là các cơ quan khoa học tối cao để kiểm soát chất lượng khoa học quốc gia đối với các bậc đào tạo cấp cao. Nguyên tắc không nhân nhượng ở bậc đào tạo cao nhất này là “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Vì chất lượng khoa học của TS kéo theo chất lượng của đội ngũ GS, PGS.

Chúng ta phải bám rất sát định nghĩa, khái niệm và yêu cầu rất cao về mặt khoa học đối với TS, GS, PGS trên thế giới, từ cổ chí kim. Đó là yêu cầu sáng tạo, phát minh khoa học, cống hiến cho giáo dục, tầm văn hóa và chuẩn mực đạo đức rất cao.

Ở nhiều nước trên thế giới, một nghiên cứu sinh muốn trở thành TS thì phải có ít nhất 2 bài báo khoa học đạt tiêu chuẩn, có giá trị được công bố ở những tạp chí quốc tế có uy tín như ISI hoặc Scopus. Để các trường ĐH có được đội ngũ giảng viên chất lượng cao, Việt Nam cũng phải tiếp cận các yêu cầu, đòi hỏi đó. Vì vậy, trình độ đào tạo, nghiên cứu của TS phải được nâng cao thì các trường ĐH mới có được đội ngũ GS, PGS giỏi.

Lực lượng nhà giáo và nhà khoa học là một hệ thống hình chóp. Ở trên cùng là GS, PGS rồi đến TS, ThS, cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Toàn bộ hệ thống đó phải được nâng cấp và nâng cao chất lượng.

Tất nhiên, khi đòi hỏi và kỳ vọng ở chất lượng khoa học của ThS, TS, PGS, GS, chúng ta cũng không thể thoát ly khỏi điều kiện sống và làm việc của các nhà khoa học Việt Nam. Mặc dù Nhà nước và Bộ GD-ĐT đã có nhiều cố gắng tăng cường  quan tâm và đầu tư nhưng với chi phí đào tạo ThS và TS như hiện nay thì chưa thể đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải đạt ngay chuẩn mực khoa học của khu vực và thế giới.

Vì thế cần phải xây dựng một lộ trình khoa học hợp lý, không thể vội vã nhưng cũng phải khẩn trương. Sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên thế giới không chờ đợi chúng ta.

PV: Xin cảm ơn GS!/.