Bộ GD-ĐT đang điều chỉnh quy chế đào tạo tiến sĩ hiện hành. Đây được coi là cột mốc quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở các cơ sở đào tạo.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học (GS.TSKH), Viện sĩ, nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có những đóng góp vào sự điều chỉnh quy chế này.

PV:Thưa GS, ông có thể cho biết những bất cập trong việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ta hiện nay?

GS.TSKH Phạm Minh Hạc: Hiện nay, ở nước ta còn những luận án tiến sĩ hay bài báo, công trình khoa chưa được chuẩn xác. Gần đây, dư luận cho rằng, việc xét chọn và chấm điểm các luận án tiến sĩ tương đối rộng rãi.

Hiện nay, việc bảo vệ luận án tiến sĩ có 3 cấp: Hội đồng cơ sở, hội đồng ngành và hội đồng Trung ương. Để bảo vệ luận án tiến sĩ được hiệu quả thì hội đồng cơ sở phải làm chặt chẽ, thực chất hơn.

PV:Nhiều ý kiến cho rằng,một nghiên cứu sinh muốn trở thành tiến sĩthì phải có một số bài báo khoa học nhất định đăng trên các tạp chí quốc tế. Còncử nhân muốn trở thành thạc sĩ phải có bài báo khoa học bằng tiếng Việt.Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?

GS.TSKH Phạm Minh Hạc:Thực tế đã có quy định cử nhân muốn trở thành thạc sĩ thì phải có bài báo khoa học bằng tiếng Việt nhưng vấn đề là việc xét chọn chưa được cẩn thận, thận trọng và đúng quy chuẩn.

Ở trong nước, các bài báo của nghiên cứu sinh được đăng trên các các tạp chí được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công bố, thẩm định thì mới được tính điểm. Tuy nhiên, nhiều tạp chí khoa học nổi tiếng của các ngành ở nước ngoài thì Việt Nam chưa có danh mục đó.

Thực tế là các công trình nghiên cứu về khoa học tự nhiên được đăng trên tạp chí quốc tế thì nghiên cứu sinh có thể thực hiện được. Tuy nhiên, về yếu tố lịch sử, có những luận án, công trình nghiên cứu về chuyên ngành khoa học xã hội chưa được các nước trên thế giới chấp nhận nên nghiên cứu sinh khó có thể đăng trên các tạp chí quốc tế. Vì vậy, tiêu chí đưa ra đối với thạc sĩ, tiến sĩ ở từng chuyên ngành là phải có bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế cũng phải tính đến yếu tố này.

gs_pham_minh_hac_ujri.jpg
Giáo sư, tiến sĩ khoa học, Viện sĩ, nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc

PV:BộGD-ĐT đang tiến hànhđiều chỉnh quy chế đào tạo tiến sĩ hiện hành.Quan điểm của GS về việc nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH nên thay đổi như thế nào?

GS.TSKH Phạm Minh Hạc:Chính phủ đã ban hành quyết định đào tạo trình độ tiến sĩ theo Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020” (Đề án 911). Theo đó, đến năm 2020, sẽ có khoảng 20.000 tiến sĩ phục vụ cho các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, số lượng tiến sĩ phục vụ cho công tác giảng dạy lại ít trong khi đó, có viện lại đào tạo đến mấy nghìn tiến sĩ, thạc sĩ. Như vậy là quá nhiều so với quy định. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo sau ĐH.

Ngoài ra, có một số bất cập nữa là kinh phí đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ còn thấp. Nếu như đào tạo một tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài phải mất khoảng hơn 1 tỷ đồng thì ở Việt Nam, chi phí bình quân cho việc đào tạo tiến sĩ là 15 triệu/năm được coi là quá thấp. Chi phí trả cho một giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh chỉ có vài triệu đồng/năm. Với chi phí như vậy khó có thể đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ chất lượng được.

Mặt khác, hiện nay, có những phó giáo sư trẻ tuổi hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh thì rất khó đảm bảo được chất lượng đào tạo.

Để đổi mới đào tạo sau ĐH, chúng ta phải nâng cao chất lượng của người hướng dẫn nghiên cứu sinh, phương pháp hướng dẫn phải phù hợp và cách thức thực hiện tuyển chọn, bảo vệ luận án phải nghiêm túc. Các cơ sở được tuyển chọn, đào tạo sau ĐH không nên tuyển sinh ồ ạt, quá nhiều.

Theo quan điểm của tôi, trong một quy trình đào tạo, một cán bộ có thể hướng dẫn 5 thạc sĩ và 3 tiến sĩ, không nên hướng dẫn nhiều hơn con số này. Như vậy, chất lượng đào tạo sau ĐH mới đảm bảo được.

PV:Xin cảm ơn GS!/.