Bộ GD-ĐT vừa chính thức công bố một số nội dung về kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. PGS Văn Như Cương - một nhà giáo và là người có nhiều đóng góp cho việc biên soạn, đổi mới chương trình sách giáo khoa THPT đánh giá cao việc cải cách, đổi mới thi cử của Bộ. Tuy nhiên, ông còn đang có nhiều băn khoăn, lo lắng trước quyết định công nhận và xếp loại tốt nghiệp THPT của Bộ vừa công bố.
Sẽ có tới 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT
Theo Giáo sư Văn Như Cương, thông qua những ý kiến đóng góp từ các nhà giáo, nhà khoa học và dư luận xã hội, Bộ GD-ĐT đã quyết định, môn Ngoại ngữ sẽ là môn thi tự chọn, chứ không phải là môn khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Ngoài ra, Bộ cũng đã bỏ quy định miễn 20% thi tốt nghiệp THPT. Đây là những cải tiến hợp lý của Bộ GD-ĐT trên tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến từ dư luận xã hội.
Năm nay, học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT theo 4 môn |
Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương lại lo ngại vì cách thức công nhận và xếp loại tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT vừa đề ra. Theo đó, Bộ đã thay việc chỉ sử dụng kết quả thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp bằng việc sử dụng kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (theo trọng số đánh giá là 50%+50%).
PGS Văn Như Cương cho rằng, với cách xếp loại tốt nghiệp như vậy thì chắc chắn sẽ có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT. Bởi nếu như cách xét tốt nghiệp như mọi năm thì học sinh phải đạt ít nhất là 5 điểm/môn thì mới đỗ tốt nghiệp. Nếu thi 4 môn mà chỉ đạt 19 điểm thì học sinh đó coi như không đỗ tốt nghiệp.
Còn như quy định mới được công bố từ phía Bộ GD-ĐT, nếu điểm trung bình của 4 môn thi chỉ có 4 điểm, nhưng điểm kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 là 6 điểm. Tổng cộng lại là 10 điểm/2 thì học sinh đó có điểm trung bình là 5 điểm sẽ vẫn đỗ tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện lớp 12 thường được các thầy, cô giáo chấm một cách rộng rãi. Nếu học sinh nào kết quả học tập học kỳ I kém thì sang học kỳ II đều được các thầy, cô “thương” cho điểm cao lên để các em có thể đỗ tốt nghiệp THPT.
Với những quy định mới trên chắc chắn sẽ xảy ra tiêu cực. Bởi vì nhiều phụ huynh lo ngại là hiện nay, nếu muốn học tiếp lên bậc cao hơn hay chuyển sang làm 1 nghề nào đó thì con họ phải có bằng tốt nghiệp THPT. Với mục đích để có được tấm bằng này, chắc chắn, các bậc phụ huynh sẽ gặp các thầy, cô giáo để “xin” hay “chạy” điểm…
Nhiều năm nay, dư luận liên tục phản đối nếu thi tốt nghiệp THPT mà có đến 98% học sinh đỗ thì không nên tổ chức thi. Thế mà hiện nay, Bộ lại đưa ra quy định công nhận và xếp loại tốt nghiệp theo cách thức mới thì càng khiến cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao tuyệt đối.
Tiến tới 1 kỳ thi quốc gia chỉ có thể áp dụng sau 2022
Với những lo ngại tiêu cực trong giáo dục có thể lan rộng, PGS Văn Như Cương cho rằng, cho đến nay, ngành Giáo dục chưa có những biện pháp hữu hiệu nào để đánh giá thực chất kết quả học tập lớp 12 cũng như cả qúa trình học THPT thì chưa nên xét công nhận tốt nghiệp theo quy định mới.
PGS Văn Như Cương đưa ra quan điểm là, Bộ GD-ĐT chỉ công nhận và xếp loại tốt nghiệp THPT cho học sinh thông qua kết quả 4 môn thi.
PGS Văn Như Cương: Việc tiến tới 1 kỳ thi quốc gia với 1 bài thi chỉ nên được thực hiện khi có chương trình sách giáo khoa mới |
Việc kết hợp xét tốt nghiệp kèm theo kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 như quyết định của Bộ vừa thông báo hay cả kết quả của cả 3 năm học THPT (theo như ý kiến đóng góp từ dư luận xã hội) cần phải có sự thay đổi một cách căn bản, có hệ thống từ việc học tập, giảng dạy, đổi mới thi cử, kiểm tra bộ môn, kiểm định chất lượng một cách khách quan và trung thực mới đánh giá việc học tập của học sinh chính xác được. Để làm được điều này cần có sự thay đổi căn bản về nhận thức, tư tưởng và quyết tâm thay đổi thi cử của toàn xã hội.
Trong lộ trình đổi mới thi cử được Bộ GD-ĐT lưu ý đến là kỳ thi tốt nghệp THPT sẽ hướng tới phương hướng chuyển dần từ 4 môn thi thành 4 bài thi. Trong đó, mỗi một bài thi bao gồm những kiến thức cơ bản và tổng hợp để kiểm tra toàn diện kiến thức, năng lực học tập của học sinh.
Theo PGS Văn Như Cương, lộ trình đổi mới thi cử của Bộ GD-ĐT đưa ra là hoàn toàn đúng đắn. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng tổ chức 1 kỳ thi quốc gia với 1 bài thi chung nhằm kiểm tra kiến thức toàn diện của học sinh và được đánh giá là có hiệu quả rất cao. Việc đánh giá theo như hình thức này sẽ góp phần khắc phục tình trạng “học tủ, học lệch” của học sinh và hướng tới đào tạo cho đất nước có được những “công dân toàn cầu” với những tri thức sâu rộng, kỹ năng hoàn thiện hơn để có thể hội nhập với khu vực và thế giới.
Là người có kinh nghiệm nghiên cứu, biên soạn sách giáo khoa và đang góp ý cho Dự án đổi mới chương trình sách giáo khoa của Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, PGS Văn Như Cương cho biết, phải đến năm 2022, chúng ta mới hoàn thành việc thay đổi chương trình sách giáo khoa cũ bằng một chương trình mới. Sau thời gian đó, ngành Giáo dục mới có thể thay đổi biện pháp thi cử, công nhận tốt nghiệp THPT để lấy đó làm căn cứ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Lộ trình đổi mới thi cử cần được gắn với đổi mới chương trình sách giáo khoa và nằm trong thực hiện Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Vì vậy, sau năm 2015 chưa thể thực hiện chuyển dần từ 4 môn thi thành 4 bài thi hay tổ chức thi 1 kỳ thi quốc gia với 1 bài thi chung nhằm kiểm tra kiến thức toàn diện của học sinh./.