Chiều 24/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) họp thông báo một số nội dung về kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014. Theo đó, năm nay, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) giảm số môn thi từ 6 môn như các năm trước đây (trong đó có 3 môn cố định biết trước là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 3 trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử) còn 4 môn, gồm: 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ.
Về cách thức chọn môn thi: Thay việc Bộ GD-ĐT quyết định và công bố tất cả các môn thi bằng việc học sinh được tự chọn 2 môn thi theo nguyện vọng cá nhân.
Về công nhận và xếp loại tốt nghiệp: Thay việc Bộ quyết định và công bố tất cả các môn thi bằng việc học sinh được tự chọn 2 môn thi theo nguyện vọng cá nhân.
Về công nhận và xếp loại tốt nghiệp: Thay việc chỉ sử dụng kết quả thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp bằng việc sử dụng kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (theo trọng số đánh giá là 50%+50%).
Sẽ chuyển dần từ 4 môn thi thành 4 bài thi
Ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong năm nay, các trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng đáp ứng các điều kiện quy định tại Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy được tự chủ tuyển sinh; đồng thời Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chung. Các trường tuyển sinh riêng có thể kết hợp sử dụng kết quả thi chung để tuyển sinh.
Một Hội đồng tư vấn sẽ giúp Bộ GD-ĐT xác định các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp hơn với yêu cầu tuyển sinh của các trường, thay thế tiêu chí đơn nhất là điểm sàn như những năm trước đây.
Những điều chỉnh trên nằm trong lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ theo Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới nội dung, phương án dạy học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra đánh giá học sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới theo hướng: chuyển dần từ 4 môn thi thành 4 bài thi; Nội dung của mỗi bài thi bao gồm phần cơ bản (để đánh giá đúng và toàn diện năng lực của học sinh, tạo động lực để học sinh học, phát triển toàn diện) và nâng cao (nhằm phân loại học sinh, là một căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh). Trên cơ sở đó hướng tới một kỳ thi đáp ứng cả yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Bộ sẽ sớm đưa ra Dự thảo phương án thi để xin ý kiến các chuyên gia, các cơ sở giáo dục ĐH, phổ thông và toàn xã hội nhằm hoàn thiện để công bố trước khi khai giảng năm học 2014-2015./.