Hiện nay, dư luận xã hội đang quan tâm về một số đề tài luận án tiến sĩ nghe “lạ tai” như: “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã”, “Hành vi nịnh trong Tiếng Việt”... và hoài nghi về tính thiết thực của các đề tài này trong cuộc sống.

222_tien_si_coyj.jpg
Đề tài luận án tiến sĩ phải ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống (ảnh minh họa)

Sự mong đợi của xã hội là có được những luận án tiến sĩ mang tính ứng dụng thiết thực. Từ những đề tài luận án tiến sĩ, các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu sẽ đề xuất lên cấp Bộ, ngành, Chính phủ có thể triển khai thành những công trình nghiên cứu nhằm tạo ra những sản phẩm, thiết bị có tính ứng dụng, phục vụ hữu ích cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân.

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, hàng năm các tổ chức, cá nhân trong nước đóng góp thêm vào kho tài sản trí tuệ khoảng 20.000 kết quả nghiên cứu, sáng chế, nhưng chỉ chưa đầy 10% kết quả nghiên cứu (khoảng 2.000 đề tài) có tiềm năng ứng dụng thực tế. Số còn lại là các đề tài không phải nghiên cứu ứng dụng, hoặc những nghiên cứu chưa thiết thực với đời sống, thực tế sản xuất trong nước. 

Tiền công bố bài báo quốc tế nên dành cho phát triển khoa học

Mỗi năm có hàng chục nghìn đề tài luận án tiến sĩ không có tính ứng dụng thiết thực là điều đáng lo ngại. Bên cạnh đó, còn một thực tế nữa là hiện nay, cũng có hàng trăm, hàng nghìn công trình nghiên cứu có khả năng ứng dụng lại đang bị lãng quên hoặc “đắp chiếu” để đó.

Chúng ta đều hiểu rằng, muốn triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học nào đó thì phải có thử nghiệm và phải được cấp kinh phí để thực hiện.

Thế nhưng, hiện đang có một thực tế là các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu đang đứng trước tình thế hết sức khó khăn trong việc cân nhắc giữa việc dùng tiền để ủng hộ cho nghiên cứu sinh có được một bài báo hay công trình nghiên cứu đăng trên các tờ báo lớn, tạp chí quốc tế có uy tín trên thế giới. 

GS.TS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội - người có thâm niên hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ cho phóng viên VOV.VN biết, để có được một bài báo đăng trên tạp chí quốc tế, nghiên cứu sinh phải chi trả cho tạp chí đó khoảng vài nghìn USD. Ngoài ra, nếu muốn giữ được bản quyền khi đăng báo thì nghiên cứu sinh phải trả thêm khoảng 1.000 USD nữa.

Còn theo chia sẻ của một người từng làm lãnh đạo Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (xin được giấu tên), hiện nay đang có tình trạng một số trường ĐH sẵn sàng “mạnh tay” bỏ ra 300 triệu đồng để có được 1 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Nghiên cứu sinh viết đề tài luận án tiến sĩ được đăng trên các tạp chí quốc tế nổi tiếng là sự cần thiết. Tuy nhiên, điều này không quan trọng bằng việc động viên lực lượng này đóng góp trí tuệ, công sức trong nhiều lĩnh vực cho phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng đất nước. Đặc biệt là ở từng vùng miền, địa phương khó khăn.

Một bài báo, công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế nổi tiếng thì sẽ có nhiều người đọc và giới nghiên cứu biết đến. Tuy nhiên, nếu bài báo, công trình đó chỉ được công bố nhưng sau đó lại bị cất vào “ngăn kéo” thì chẳng có tác dụng gì. Hiện nay, ở nước ta, nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố rất hoành tráng nhưng bị “đắp chiếu” để đấy, không nhận được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ mở rộng nghiên cứu, ứng dụng trên thực tế cuộc sống nên chẳng có tác dụng phục vụ đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.

Nếu công trình khoa học được công bố nhưng lại bị lãng quên hoặc “đắp chiếu” ở một chỗ nào đó thì sự đầu tư của Nhà nước là quá đắt. Còn ngược lại, nếu công trình đó thực sự mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội thì sự đầu tư của Nhà nước là cần thiết và những tác giả nghiên cứu, phát hiện ra chúng cần được hỗ trợ xứng đáng để phát triển đề tài nghiên cứu.

Nhật Bản là một nước phát triển về kinh tế và đầu tư rất mạnh cho giáo dục, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao. Những người có học hàm, học vị của họ không chạy đua để giành giải Nobel này, Nobel khác mà chỉ tập trung vào nghiên cứu, sản xuất để có những công trình nghiên cứu thực sự hữu ích cho cuộc sống...

Còn Hàn Quốc là nước ở khu vực Đông Bắc Á cũng rất quan tâm đến việc thu hút nhân tài làm việc ở lĩnh vực giáo dục đào tạo, đầu tư cho những đề tài nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nên thu nhập của những người có trình độ, năng lực tương đối cao.

Vẫn biết rằng, chúng ta khó có thể so sánh về kinh tế với các nước khác nhưng nhân tài và tiềm lực trí tuệ của người dân Việt Nam không hề thua kém các cường quốc giàu mạnh trên thế giới.

Chính vì vậy, nếu biết “giữ chân” được nhân tài, biết sử dụng đội ngũ nguồn nhân lực có chất lượng cao, biết đầu tư kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi để những đề tài, công trình nghiên cứu khoa học thiết thực được mở rộng thì đó sẽ là động lực cho sự phát triển đất nước./.