Sáng 22/4, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam họp báo xung quanh thông tin về “lò sản xuất tiến sĩ”.
Thông tin về “lò sản xuất tiến sĩ” được người dùng Facebook phân tích từ website của Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Theo đó, thống kê từ đầu năm 2016 đến đầu tháng 4/2016 đã có 58 tiến sĩ bảo vệ thành công (năng suất 1 ngày 1 giờ 15 phút ra một tiến sĩ).
Cho rằng thống kê nói trên có thể chưa phản ánh được bức tranh cả năm vì có thể "đây là thời gian cấp tập bảo vệ tiến sĩ trong 1 năm", nên người dùng Facebook nói trên đã thống kê cho cả năm 2015 để cho số liệu chính xác hơn.
Cụ thể, trong năm 2015, từ 1/1 đến 31/12, Học viện Khoa học xã hội cho ra lò 165 tiến sĩ. Nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho “ra lò” 1 tiến sĩ.
Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ 2016 tại cơ sở này là 350. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cũng là 350. Với chỉ tiêu này, vài năm sau, nếu tính rơi rụng 50 nghiên cứu sinh thì chắc sẽ ra lò 300 tiến sĩ/ năm, tức là sẽ rất nhanh chóng vượt đích cho “ra lò” dưới một ngày làm việc 1 tiến sĩ.
Thông tin trên đã nhanh chóng được chia sẻ trên cộng đồng mạng và gây nhiều tranh cãi.
GS.TS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội (phải) phát biểu tại buổi họp báo |
Trước sự quan tâm của xã hội về vấn đề trên, tại buổi họp báo, GS.TS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội cho biết, Học viện được thành lập năm 2010 trên cơ sở hợp nhất 17 cơ sở đào tạo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đây là những cơ sở đào tạo tiến sĩ đầu tiên của cả nước có vị thế và tầm quan trọng đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Học viện Khoa học xã hội không đào tạo cử nhân. Học viện có 412 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ là giảng viên đào tạo. Học viện còn huy động nguồn lực trong cả nước, với gần 2.000 cán bộ từ tiến sĩ trở lên. Nhiều nhà chuyên môn giỏi đã thôi quản lý ở cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng cũng tham gia đào tạo ở Học viện. Điều này khẳng định chất lượng đào tạo của Học viện.
Hiện nay, Học viện có 20 khoa, đào tạo 36 ngành tiến sĩ. Chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ hàng năm của Học viện là 350, chia đều cho 36 ngành thì mỗi ngành có chưa đầy 10 chỉ tiêu. Một số ngành rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nhưng thực tế số chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ vẫn còn ít ỏi.
Hàng năm số ứng tuyển so với số chỉ tiêu thường nhiều gấp đôi. Vì thế, Học viện có cơ sở để tuyển chọn được những người tốt, giỏi nhất.
Như vậy, xét về số lượng chỉ tiêu với một cơ sở đào tạo đa ngành, liên ngành của việc hợp nhất 17 cơ sở đào tạo thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao khoa học xã hội cho đất nước thì còn khiêm tốn so với nhu cầu hiện nay muốn xét tuyển vào. Việc xác định chỉ tiêu của Học viện là đúng cơ sở pháp luật, đúng thực tiễn và theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT cũng như nhu cầu xã hội.
GS.TS Võ Khánh Vinh khẳng định, quy trình đào tạo tiến sĩ của học viện, Học viện Khoa học xã hội thực hiện rất chặt chẽ. Ngoài Thông tư 15 theo quy định của Bộ GD-ĐT, Học viện còn trực tiếp cụ thể hóa các quy định tại học viện liên quan đến tất cả các lĩnh vực đào tạo, trong đó có đào tạo tiến sĩ. Việc bảo vệ phải đúng niên hạn, nghiên cứu sinh nào không làm đúng sẽ gửi trả về, nếu học lại sẽ phải học đúng 3 năm. Đó là thành công trong đào tạo tiến sĩ của Học viện.
Học viện Khoa học xã hội có quy trình phản biện kín, không biết ai là nghiên cứu sinh, ai hướng dẫn. Học viện được đánh giá cao trong khâu phản biện kín, không có điều tiếng gì.
Trước khi bảo vệ cấp Học viện, nghiên cứu sinh phải công bố luận án lên website của Học viện, có tóm tắt bằng tiếng Anh để xã hội sàng lọc, đánh giá, từ các chuyên gia tới người dân bình thường đều có thể tham gia nhận xét, góp ý kiến.
Trước 10 ngày bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải công bố trên báo Nhân dân và Quân đội nhân dân, ai quan tâm có thể biết để đến tham dự, giám sát. Nghiên cứu sinh cũng phải công khai hóa toàn bộ các sự kiện trước, trong và sau khi bảo vệ luận án trên website của Học viện. Đó là những bộ lọc chuyên môn, xã hội, đạo đức để đánh giá chất lượng của luận án.
Hiện nay, Học viện triệt để đảm bảo số lượng học viên trên mỗi giảng viên hướng dẫn. Phần lớn giảng viên hướng dẫn đều có học viên bảo vệ thành công.
Giải thích thêm về quy trình đào tạo của Học viện Khoa học xã hội, ông Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Tất cả luận án tiến sĩ sau khi bảo vệ được Bộ GD-ĐT chọn ngẫu nhiên 10% để thẩm định lại. Chưa có luận án nào của Học viện bị đánh giá không đạt yêu cầu.
Sắp tới Học viện sẽ mua phần mềm giám định kết quả của luận án, có thể phát hiện hiện tượng gian lận trong nghiên cứu khoa học.
Chưa có luận án nào của Học viện không đạt yêu cầu chất lượng
Xung quanh việc đào tạo tiến sĩ ở Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, đại điện Bộ GD-ĐT là bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, Học viện Khoa học xã hội được thành lập năm 2010 trên cơ sở tổ chức lại 17 cơ sở đào tạo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Như vậy, việc thành lập Học viện không phải hình thành một cơ sở đào tạo mới mà là hợp nhất bộ phận quản lý đào tạo của các viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với mong muốn công tác quản lý đào tạo được chuyên nghiệp và tiết kiệm hơn.
Chỉ tiêu của Học viện hiện nay là tổng chỉ tiêu của 17 cơ sở đào tạo, nếu tính bình quân thì số chỉ tiêu của mỗi cơ sở đào tạo không phải là quá lớn.
Theo quy định hiện hành, Bộ GD - ĐT sẽ thực hiện hậu kiểm, xử lý những đơn vị xác định chỉ tiêu không đúng qui định.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định, chỉ tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ lớn hay nhỏ phụ thuộc chủ yếu vào số giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, chức danh giáo sư, phó giáo sư…
Còn về đánh giá chất lượng, chủ yếu thuộc thẩm quyền của chuyên môn (người hướng dẫn, các hội đồng chấm, người phản biện độc lập, người thẩm định).
Điều đó phần lớn phụ thuộc vào tính quy chuẩn tương đối của ngành khoa học xã hội nhưng một phần cũng phụ thuộc vào mức độ yêu cầu, trách nhiệm của tập thể hướng dẫn và hội đồng chấm luận án.
Nhà nước chỉ có thể quản lý chất lượng thông qua việc quy định các điều kiện, tiêu chí của luận án, quy trình tổ chức thực hiện… còn chất lượng chuyên môn phải do các nhà khoa học, các cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ đảm bảo.
Bộ GD-ĐT đã qui định các cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về bảo vệ luận án và toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót.
Trong 4 năm gần đây, để nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GD - ĐT tổ chức thẩm định chất lượng của khoảng gần 10% luận án của các cơ sở đào tạo. Qua thống kê, chưa có luận án nào của Học viện Khoa học xã hội không đạt yêu cầu chất lượng.
Luận án tiến sĩ phải làm trong nhiều năm. Số lượng nghiên cứu sinh bảo vệ trong một khoảng thời gian không phải là yếu tố phản ánh chất lượng đào tạo./.
Từ vụ 200 triệu đồng có bằng Tiến sĩ: Khi học vị bị bán “rẻ”!