Thông tin về vụ việc “lò sản xuất tiến sĩ” được người dùng Facebook phân tích số liệu đào tạo tiến sĩ ở Học viện Khoa học xã hội với tần suất chỉ hơn 1 ngày cho “ra lò” 1 tiến sĩ.

Với tính toán như vậy, dư luận lo ngại về chất lượng đào tạo tiến sĩ của Học viện. Phản bác lại thông tin trên,Học viện Khoa học xã hội vừa họp báo và đưa ra đầy đủ các chứng cứ khẳng định chất lượng đào tạo của Học viện.

Để khẳng định chất lượng đào tạo tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội, đại diện Bộ GD-ĐT là bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết, trong 4 năm gần đây, để nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GD- ĐT đã tổ chức thẩm định chất lượng của khoảng gần 10% luận án của các cơ sở đào tạo. Qua thống kê, chưa có luận án nào của Học viện Khoa học xã hội không đạt yêu cầu chất lượng. 

dao_tao_tien_si_otwm.jpg
Thông tin về "lò sản xuất tiến sĩ" chính thức được giải trình rõ tại buổi họp báo do Học viện Khoa học xã hội tổ chức sáng 22/4

Tuy nhiên, từ vụ việc “lò sản xuất tiến sĩ” được đưa ra, vấn đề cần được mổ xẻ, phân tích ở đây là quy trình, chất lượng đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao này ở nước ta như thế nào.

Phải khẳng định là trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng quy mô đào tạo sau đại học (ĐH), trong đó có đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ đang trở nên ngày càng mở rộng. Điều này đã được nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: “Nếu như ở Mỹ, tiến sĩ chỉ làm việc trong các viện nghiên cứu, trường học. Còn ở Việt Nam đang có xu hướng phổ cập tiến sĩ, thạc sĩ”.

Nhu cầu học lên cao của người dân gia tăng. Có “cầu” thì ắt có “cung” nên 116 cơ sở đào tạo được cấp phép đã đáp ứng nguyện vọng của của người học.

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong lần đầu tiên tiến hành thẩm định công tác đào tạo tiến sĩ ở các trường ĐH do Bộ GD-ĐT thực hiện trong hai năm 2013 và 2014, có đến một nửa số cơ sở đào tạo không làm đúng quy trình đào tạo tiến sĩ.

Kết quả thẩm định hồ sơ và luận án tiến sĩ cho thấy, việc quản lý hồ sơ đào tạo nghiên cứu sinh trong giai đoạn đầu chưa tốt. Nhiều hồ sơ không đầy đủ, chưa đảm bảo quy trình bảo vệ luận án với gần 90% hồ sơ thẩm định phải bổ sung, rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, chất lượng luận án tiến sĩ chưa cao. Trong số các luận án thẩm định có tới 79% luận án phải chỉnh sửa bổ sung; 3,1% luận án không đạt yêu cầu phải thành lập Hội đồng thẩm định.

Bất cập trên cho thấy, ngành Giáo dục cần phải siết chặt hơn nữa đối với việc đào tạo tiến sĩ thông qua việc sàng lọc, thanh tra các cơ sở đào tạo hàng năm. Đặc biệt là kiểm tra số lượng giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, chức danh giáo sư, phó giáo sư (giảng viên dạy ổn định nằm trong biên chế của nhà trường) để giao chỉ tiêu tuyển sinh.

Quy trình thẩm định hồ sơ, bảo vệ luận án tiến sĩ phải được thực hiện nghiêm túc thông qua nhiều công đoạn thảo luận, kiểm định, phản biện...

Bên cạnh việc siết chặt quy trình đào tạo tiến sĩ, một vấn đề khác cần được lưu ý là nguồn nhân lực chất lượng cao này giảng dạy ở các cơ sở giáo dục còn rất hạn chế. Bằng chứng là hầu như năm nào, Bộ GD-ĐT cũng phải đình chỉ một số ngành ở nhiều trường ĐH vì không có đủ số giảng viên trình độ cao là thạc sĩ, tiến sĩ cho đến có học hàm giáo sư, phó giáo sư.

Mặc dù đến nay, nước ta có gần 25.000 tiến sĩ nhưng chỉ có khoảng 9.600 người giảng dạy ở các cơ sở đào tạo. Còn lại là họ làm việc ở các viện nghiên cứu,  tập đoàn, doanh nghiệp hay các cơ quan khác.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt số lượng giảng viên chất lượng cao cho các cơ sở giáo dục ĐH, Chính phủ đã ban hành Quyết định đào tạo trình độ tiến sĩ theo Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020” (Đề án 911).

Theo như Đề án 911, trong vòng 10 năm (từ 2010-2020), Việt Nam sẽ bổ sung thêm 20.000 tiến sĩ cho các trường ĐH. Thế nhưng, mục tiêu này đang là viễn cảnh khá xa vời khi mà trên thực tế, số lượng tiến sĩ được đào tạo chưa đến một nửa chỉ tiêu đề ra.

Khó khăn lớn nhất để đến năm 2020 có được mục tiêu 20.000 tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ là thiếu kinh phí, ngân sách vì đào tạo tiến sĩ ở trong nước phải tốn tổng chi phí là khoảng 200 triệu đồng trong vòng 4 năm. Nếu cử giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài để trở thành tiến sĩ phải mất bình quân trên 1,5 tỷ đồng.

Việc đào tạo tiến sĩ tốn kém là vậy nhưng hiện nay, cơ cấu phân bổ, đào tạo tiến sĩ không đồng đều giữa các địa phương mà chủ yếu tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Còn miền Trung, miền Tây hay những địa phương còn khó khăn rất ít tiến sĩ. Trong khi số lượng tiến sĩ ở lĩnh vực khoa học tự nhiên tương đối ổn định thì đối với các chuyên ngành khoa học xã hội lại hiếm hoi.

Thông qua vụ việc “lò sản xuất tiến sĩ”, một lần nữa gióng lên hồi chuông về những bất cập xung quanh việc đào tạo tiến sĩ và phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao này cho các trường ĐH.

Vì vậy, ngành Giáo dục, các địa phương, cơ sở đào tạo cần nhìn nhận đây là vấn đề bức thiết cần có giải pháp điều chỉnh, thay đổi. Đặc biệt là khi chúng ta đang thực hiện Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục ĐH để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước./.