Trong mùa tuyển sinh CĐ, ĐH 2020, nhiều trường ĐH có mức điểm cao chạm trần, tối đa ngưỡng 30/30 điểm, song cũng có không ít các trường CĐ sư phạm tại các địa phương đang mòn mỏi đợi chờ sinh viên. Có trường chỉ tiêu 300, nhưng qua nhiều đợt tuyển cũng chỉ tuyển được hơn 30 sinh viên. Các trường cũng không có kế hoạch thông báo tuyển thêm do biết trước không có hồ sơ nộp.
Đại diện một số trường CĐ sư phạm cho biết, các trường đang gặp khó khăn về nguồn tuyển, bị cắt hệ đào tạo sư phạm tiểu học và THCS, còn duy nhất ngành giáo dục mầm non. Tình trạng này cũng dẫn đến nhiều giảng viên tại các trường CĐ thiếu việc làm.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã có cuộc trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề này.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ:Để xảy ra vấn đề này, nguyên nhân do các chủ trương hiện nay của ta chưa rõ ràng. Thực hiện Luật Giáo dục mới, giáo viên bậc tiểu học và THCS phải có trình độ từ đại học trở lên, áp dụng từ 1/7/2020. Tuy nhiên với độ ngũ giáo viên hàng chục ngàn người chưa đạt chuẩn đó, thì cần có lộ trình, chứ không thể thực hiện nay trong ngày 1 ngày 2. Cũng từ luật trên, hiện nay các trường CĐ sư phạm tại địa phương không được đào tạo giáo viên bậc tiểu học, THCS. Đội ngũ giảng viên đang dạy các khoa tiểu học, THCS trong các trường CĐ sư phạm cũng chật vật vì không có việc làm.
Chúng ta đã thực hiện Luật mà không có lộ trình rõ ràng. Đáng ra muốn nâng trình độ giáo viên tiểu học, THCS lên đại học, hàng năm phải đào tạo nâng cao trình độ cho các giáo viên đang đứng lớp. Bên cạnh đó, cũng cần có lộ trình nâng cấp các trường CĐ sư phạm, cho phép các trường CĐ này liên kết đào tạo với các trường đại học sư phạm trên cả nước để đào tạo giáo viên bậc tiểu học, THCS.
Với hình thức liên kết này, sinh viên vừa có thể học ngay tại các trường ở địa phương, nếu chưa có giảng viên, có thể lấy đội ngũ từ các trường ĐH sư phạm, những giảng viên của trường CĐ có đủ trình độ đào tạo đại học thì cũng sẽ được dạy. Như vậy sẽ giải quyết được cả vấn đề việc làm cho đội ngũ giảng viên các trường cao đẳng.
Các trường cần xây dựng chương trình học và kế hoạch kiểm tra đánh giá đầu ra đạt chuẩn đại học.
Song song với đó, các địa phương cần đầu tư, nâng cấp các trường CĐ sư phạm thành các trường đại học đa ngành, như vậy mới có thể tồn tại và phát triển.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ:Đây là một quan điểm sai lầm nghiêm trọng, biến các trường địa phương trở thành các trường vệ tinh của các trường đại học lớn, như vậy sẽ phá vỡ toàn bộ hệ thống đào tạo. Các trường Trung ương chỉ nên làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp 3, giáo viên cho các trường ĐH sư phạm khác và đào tạo trình độ sau đại học như thạc sĩ, tiến sĩ. Các trường ĐH ở Trung ương không thể ôm đồm đào tạo cả giáo viên mầm non đến THPT.
Chính quyền địa phương 63 tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm đào tạo đội ngũ giáo viên từ mầm non đến THCS tại các trường của địa phương, đồng thời có trách nhiệm nâng tầm các trường CĐ lên thành các trường đại học.
Ví dụ như tại Hà Giang, toàn tỉnh chỉ có duy nhất Trường CĐ Sư phạm Hà Giang, thì có thể nâng cấp trường này lên thành đại học đa ngành. Hay tại Thái Bình, đã có 1 trường đại học riêng của tỉnh, có thể quy hoạch trường CĐ sư phạm thành 1 khoa, ngành, xác nhập vào trường đại học của tỉnh. Việc đào tạo giáo viên tiểu học, THCS nên giao cho chính quyền địa phương.
Việc đưa hết về một số trường ĐH sư phạm lớn có trong đó lợi ích nhóm. Một số trường muốn ôm hết các trường nhỏ vào mình. Tuy nhiên đào tạo sư phạm khác với các ngành khác, phải chú trọng uốn nắn sinh viên từng li từng tý, từ chuyện học, đến ăn ở, ứng xử, không thể giảng theo kiểu đưa hết lên giảng đường hàng trăm người để giảng tập trung, thu học phí.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ:Chuyện này là rõ ràng, nhu cầu giáo viên tăng giảm theo một làn sóng chứ không theo một đường thẳng. Có nghĩa lúc lên lúc xuống. Ví dụ, như lớp học trung bình sĩ số là 50-60 em/lớp, nhưng khi thay đổi quy định mỗi lớp còn 30 học sinh, thì số lượng giáo viên cũng sẽ tăng lên, chưa kể đến vấn đề tăng dân số. Với quy mô dân số hơn 90 triệu người, cả nước không thể chỉ có vài trường sư phạm trọng điểm.
Hiện cả nước mới có hơn 200 trường ĐH đa ngành, hơn 300 trường cao đẳng, con số này chưa ăn thua gì so với các nước khác. Nhật Bản có 1.800 trường đại học, Malaysia có hơn 55 triệu dân, nhưng cũng có 600 trường CĐ, ĐH. Nên đừng nghĩ chúng ta đang quá nhiều trường. Thực tế hiện nay không nhiều trường, mà là đang có những trường chưa chất lượng. Do đó cần quan tâm, nâng cấp, phát triển những trường còn yếu. Nên xem nguyên nhân từ đâu các trường này hoạt động không hiệu quả.
Như các trường CĐ sư phạm địa phương hiện nay hoạt động không hiệu quả do không được giao nhiệm vụ, không được đầu tư tương xứng.
Nếu mỗi tỉnh có 2-3 cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm thì nên sắp xếp lại, còn lại mỗi địa phương cần nâng niu cho mình 1 cơ sở đào tạo sư phạm chất lượng. Trước mắt cần tự bồi dưỡng đội ngũ giảng viên hiện tại, liên kết đào tạo với các trường đại học và nâng cao chất lượng để trở thành đại học địa phương đa lĩnh vực trong tương lai.
Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn, giao trách nhiệm rõ ràng cho hệ thống các trường CĐ sư phạm, khi đó hệ thống các trường này tự khắc sẽ sống được. Trải qua hàng chục năm thành lập và hoạt động, các trường này có hệ thống cơ sở vật chất, giáo viên có nhiều kinh nghiệm, do đó không thể xóa sổ hoàn toàn. Nền kinh tế hiện nay đã phân cấp rõ kinh tế trung ương và kinh tế địa phương, do đó không thể 1 bước xác nhập 1 trường trung ương và 1 trường địa phương.
Một số trường địa phương không hiểu rõ, muốn dựa vào các trường lớn để tồn tại, nhưng cuối cùng cũng nhận thấy không ổn.