Dù bão số 7 đã suy yếu khi đổ bộ vào đất liền, nhưng nó vẫn gây thiệt hại đáng kể cho các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai. Tuy không có thiệt hại về người nhưng mưa lớn đã làm ngập úng một lượng đáng kể hoa màu và nhà cửa của người dân.

gia%20lai%20ngap%20lu.jpg
(ảnh: Báo Gia Lai)

Tại thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa, nước dâng cao đã làm ngập nhiều nhà dân. Ngành chức năng đã di dời hơn 40 hộ đến nơi an toàn. Cùng với  đó, hơn 250ha lúa và hoa màu của hai địa phương đã bị ngập hoàn toàn. Riêng tại thị xã A Yun Pa, thiệt hại thống kê đến thời điểm này là hơn 1,1 tỷ đồng. Chính quyền, ngành chức năng thị xã triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sau bão, để giúp người dân ổn định cuộc sống.

Ông Phan Văn Minh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa cho biết: “Di dời dân lên vùng an toàn rồi sẽ ra sản xuất lại. Chúng tôi đang chuẩn bị báo cáo với ban chỉ đạo tỉnh số diện tích ngập úng, thiệt hại lúa đấy sẽ đề nghị tỉnh hỗ trợ bằng giống để tái sản xuất”.

Một số huyện khác trong vùng Đông và Đông Nam Gia Lai cũng chịu các thiệt hại đáng kể do bão số 7. Cụ thể tại huyện Krông Pa, mưa lớn đã làm sạt lở 2 điểm trên Quốc lộ 25, đoạn qua đèo Tona, ở mỗi vị trí có hơn 100m khối đất đá. Nước lũ cũng làm sạt lở, cuốn trôi mặt đường ở các xã Chư Rcăm, Ia Rmok, Ia Dreh gây ách tắc giao thông. Tại huyện Phú Thiện, gần 18ha ao hồ nuôi cá của dân bị cuốn trôi, 35ha lúa chuẩn bị thu hoạch bị cuốn trôi hoàn toàn. Hiện tại, dù bão đã tan, nhưng các hồ thủy lợi và thủy điện vẫn tiếp tục xả lũ. Cụ thể Hồ Ia ly xả 400m3 /giây; hồ Sê San 4 xả 901m3/giây; Hồ Ayun Hạ xả 130mét khối/giây; Hồ An Khê xả 60m3 khối/giây. Ông Nguyễn Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thủy sản Gia Lai cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của tỉnh là hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất: “Những vùng thiệt hại như nước bị ngập lúa thì phải có chính sách hỗ trợ, chẳng hạn sử dụng nguồn ngân sách dự phòng để hỗ trợ giống cho người dân. Còn một số tuyến đường giao thông bị sạt lở thì khắc phục để khỏi gây ách tắc giao thông.”./.