Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên, bão số 7 và áp thấp nhiệt đới vừa qua không gây thiệt hại nhiều.
Thống kê sơ bộ, chỉ có một số tuyến tỉnh lộ bị sạt lở nhỏ, chưa có thiệt hại về người, hoa màu, tài sản.
Hơn 100 tàu cá đang đánh bắt xa bờ ở vùng biển Trường Sa cũng tìm được nơi trú tránh an toàn.
Trong sáng nay (7/10), tất cả các hộ dân đi sơ tán đã trở về nhà, các tàu cá neo đậu trong bờ bắt đầu lấy đá, lấy dầu để chuẩn bị ra khơi đánh bắt.
Mực nước trên các sông như: Kỳ Lộ ở huyện Đồng Xuân, Bánh Lái ở huyện Đông Hòa, sông Đà Rằng, ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đang xuống. Tuy nhiên, ông Biện Minh Tâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão tỉnh Phú Yên cho biết, vẫn còn một số tuyến đường nội vùng tại các huyện miền núi còn bị ngập, cần cảnh giác trước nguy cơ sạt lở ở một số vùng trọng điểm.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, mưa lớn cộng với triều cường xâm thực trong mấy ngày qua đã gây sạt lở nghiêm trọng nhiều khu vực bờ biển tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, thị xã Hương Trà.
Riêng tại xóm Gềnh và xóm Cồn Đâu, thôn Thái Dương Hạ Nam, thị xã Hương Trà, biển lấn sâu vào đất liền 40m, dài gần 500m. Sáng nay, hơn 200 người dân địa phương và 100 chiến sĩ bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế tiếp tục đắp đất đá, bao cát chống sạt lở bờ biển.
Ông Lê Phan Anh - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà đang có mặt tại bờ biển Hải Dương chỉ đạo công tác khắc phục sạt lở cho biết, đến 11 giờ trưa nay, việc xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển đã cơ bản hoàn thành.
Do ảnh hưởng của bão số 7, tại xã Trà Giang, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi mưa lớn kèm theo lốc xoáy làm tốc mái 2 nhà dân, 5ha keo 3 năm tuổi bị ngã đổ.
Tuyến đường Trà Tân đi Cà Đam sạt lở nhiều đoạn, với khối lượng trên 1.000m3 đất đá. Tuyến đường Trà Tân-Trà Nham cũng bị sạt lở.
Mưa lớn cũng làm hư hỏng 2 công trình thủy lợi Suối Dậy, xã Trà Thủy và kênh mương thủy lợi Xen Bay, thị trấn Trà Xuân. Còn tại các huyện khác và thành phố Quảng Ngãi, trời đã hửng nắng, người dân ở các địa phương đã trở lại sinh hoạt bình thường sau nhiều ngày ứng phó với mưa bão.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép tàu thuyền ra khơi hoạt động khai thác hải sản trong khu vực vùng biển của tỉnh.
Tại Tây Nguyên, sau khi bão số 7, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp, ảnh hưởng của bão vào vùng bắc Tây Nguyên là thấp hơn dự báo ban đầu. Cùng với đó, sự chuẩn bị tốt của các địa phương trong khu vực khiến thiệt hại của bão là không đáng kể.
Tại tỉnh Kon Tum suốt đêm qua, các lực lượng đã thức trắng đêm để phòng chống mưa lũ. Tuy nhiên, khác với các dự báo ban đầu, tại địa phương này, trời chỉ có mưa nhỏ vào chập tối, thời gian còn lại đến hơn 3 giờ sáng nay trời tạnh mưa hẳn. Có thể nói là chính quyền và người dân Kon Tum đã trải qua một đêm căng thẳng ứng trực phòng chống mưa lũ, song đã nhẹ nhàng trôi qua.
Tại huyện Kbang, một trong các huyện trọng điểm, phía đông của tỉnh Gia Lai, nơi chịu nhiều nguy hiểm bởi thủy điện xả lũ, cũng do lượng mưa giảm nên đến sáng nay không có điểm dân cư nào bị chia cắt.
Mặc dù đã suy yếu nhanh, không gây mưa quá lớn, nhưng bão số 7 cũng gây một số thiệt hại tại tỉnh Kon Tum.
Theo thống kê sơ bộ, mưa kéo dài đã làm các tuyến tỉnh lộ 675, tỉnh lộ 677 và tuyến đường nối xã Đắc Kôi, huyện Kon Rẫy sang Đắc Pxi, huyện Đắc Hà đã bị sạt lở, với gần 20 điểm.
Mưa cũng làm công trình thủy lợi Đắc Sia 1 xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy bị sạt lở, vùi lấp máng tràn thoát nước, chính quyền huyện đã chỉ đạo lực lượng thi công nạo vét số đất đá sạt lở, đồng thời vận động các hộ dân sống dưới chân đập di dời đến nơi ở cao ráo.
Tuy bão đã tan, nhưng chính quyền, người dân các tỉnh vẫn cảnh giác đề phòng, vì Tây Nguyên thường có mưa to sau khi bão tan./.