Đến nay, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận hơn 4.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, chiếm 14% số ca bệnh trong cả nước. Tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, một trường hợp đã tử vong. Trong đó, thành phố Pleiku có số người mắc bệnh cao nhất tỉnh, với hơn 1.150 ca.
UBND tỉnh Gia Lai họp khẩn chống dịch sốt xuất huyết. |
Ông Đặng Phước Toàn, Phó giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Pleiku cho biết, do thiếu kinh phí nên địa phương không chủ động được công tác phòng chống bệnh ngay từ đầu. Khi bệnh tăng cao, thành phố cũng thiếu kinh phí để mua hóa chất xử lý các ổ dịch dẫn tới bệnh diễn biến phức tạp. Tính đến 3/8 thì thành phố ghi nhận 1.153 ca, tăng hơn 15 lần so với cùng với kỳ năm 2015. Bệnh đã có ở toàn bộ 23 xã, phường.
Thiếu kinh phí, hóa chất phòng chống bệnh cũng là bất cập chung trong công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết của tỉnh Gia Lai. Theo Sở Y tế tỉnh, năm nay, tỉnh không được cấp kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống bệnh sốt xuất huyết nên các đơn vị y tế trong tỉnh khó triển khai các hoạt động. Bên cạnh đó, người dân còn chủ quan, thờ ơ trong công tác phòng chống bệnh, vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy khiến bệnh lây lan nhanh.
Sở Y tế tỉnh Gia Lai nhận định, từ nay đến cuối năm, đặc biệt là tháng 9 và tháng 10, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn sẽ còn diễn biến phức tạp, vì địa phương đang bước vào cao điểm mùa mưa. Hơn nữa, trên địa bàn xuất hiện thêm tuýp vi rút gây bệnh mới là Dengue II, với triệu chứng bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao.
Tại cuộc họp khẩn chiều nay, UBND tỉnh Gia Lai quyết định xuất ngân sách 1,3 tỉ đồng để phục vụ công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết: “Nguồn kinh phí khoảng 1,3 tỉ tạm ứng chỉ phòng chống xuất huyết được một thời gian ngắn, không thể kéo dài tới cuối năm được. Do không chủ động được nguồn kinh phí nên chúng tôi gặp khó khăn trong vấn đề dự trữ hóa chất, phương tiện để phòng chống dịch dẫn tới phòng chống dịch khá chậm”./.