Tỉnh Ninh Thuận đang trong mùa nắng nóng, khô hạn, ban ngày nắng như rang, nhưng bệnh sốt xuất huyết vẫn tăng cao, trong đó có vùng đồng bào Chăm.

Theo Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh – Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Ninh Thuận, dù chưa phát sinh thành dịch, nhưng bệnh sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng. Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã phát hiện 287 ca mắc sốt xuất huyết so với cùng kỳ năm 2015 chỉ có 10 ca mắc. Đây là điều mà từ trước đến nay ít xảy ra, nhiều năm qua, sốt xuất huyết chỉ xuất hiện vào mùa mưa.

sot_xuat_huyet_vov_wbyg.jpg
Người dân chờ khám bệnh tại BV huyện Ninh Phước

Ở Ninh Thuận, bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 sẽ là thời điểm phát sinh dịch sốt xuất huyết. Bởi đây là mùa mưa, muỗi sinh sản nhiều trong các ao hồ tù đọng, các vũng nước, mương nước và trong các bể nước, các lu, chậu, để ngoài trời đọng nước mưa...

Thế nhưng, qua kiểm tra tại các địa phương trong tỉnh, tình trạng hộ gia đình có dụng cụ chứa nước có lăng quăng khá nhiều chiếm đến 46%. Đây là môi trường để muỗi sinh sôi nảy nở và truyền bệnh.

Để chủ động ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết phát sinh thành dịch, việc làm hiệu quả nhất hiện nay của các hộ gia đình là tăng cường diệt lăng quăng, bọ gậy. Nhờ được tuyên truyền về nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, gia đình bà Nguyễn Thị Củi ở thôn Phước Nhơn 3, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đã quét dọn, vệ sinh nhà cửa, phát quang bụi rậm sau nhà.  

Xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận là địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống và đã có người mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 4 ca so với thời điểm này năm 2015 là không có trường hợp nào. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của địa phương và ngành y tế, nhất là sự nỗ lực của y tế thôn, bản…đến thời điểm này ở xã Xuân Hải không có người mắc sốt xuất huyết.

Bác sĩ Thành Thị Ngọc Lịch, Trưởng Trạm y tế xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cho biết: Thời gian qua có ca mắc sốt xuất huyết nhưng không có ca nào tử vong. Khi phát hiện ca mắc sốt xuất huyết, Trạm y tế có nhiều biện pháp ngăn ngừa,  tích cực làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bà con vừa cùng với các ban ngành đoàn thể tuyên truyền diễn biến của bệnh, vận động người dân làm vệ sinh môi trường… Mặt khác, Trạm y tế cũng hướng dẫn bà con nhận biết và phát hiện sớm triệu chứng sốt xuất huyết để kịp thời đưa đến cơ sở y tế điều trị. Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết tại địa phương đã không còn nữa.  

Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay trong tỉnh tập trung ở thành phố Phan Rang –Tháp Chàm với hơn 100ca,  kế đó là Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải. Bệnh sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, dễ lây lan qua con vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn, diễn biến bệnh phức tạp và có thể gây tử vong.

Khám chữa bệnh ở Trạm Y tế xã Xuân Hải 

Cũng là loại muỗi truyền virus Zika gây bệnh viêm đa rễ thần kinh và hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh khi phụ nữ có thai nhiễm virus này. Đến nay, hai loại bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika chưa có vaccine phòng bệnh, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc phun thuốc diệt muỗi chỉ diệt được muỗi trưởng thành, không diệt được lăng quăng. Chính vì vậy, diệt lăng quăng, bọ gậy là biện pháp căn bản để phòng chống sốt xuất huyết.

Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh – Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Hiện bệnh sốt xuất huyết không còn theo quy luật mùa mưa, ở Ninh Thuận đang hạn hán nhưng bệnh vẫn gia tăng.

Biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết có hiệu quả nhất, chúng tôi đang triển khai các cán bộ y tế cơ sở cùng cấp chính quyền của thôn, xã, phường phải thường xuyên thăm từng hộ dân, xem vật dụng chứa nước sinh hoạt trong gia đình có lăng quăng hướng dẫn bà con súc rửa, đậy nắp… dẹp vệ sinh môi trường xung quanh nhà để không có nơi cho muỗi đẻ trứng”.

Để phòng chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết trong cộng đồng, ngoài sự nỗ lực của  ngành Y tế Ninh Thuận thì cần có sự chung tay của cả cộng đồng từ những việc làm nhỏ nhất như tránh để muỗi đốt, làm vệ sinh môi trường, loại bỏ những dụng cụ chứa nước không cần thiết để diệt muỗi, bọ gậy./.