Cụ thể, tại công văn số 266/QĐ-UBND ngày 24/5, UBND huyện Chư Pưh, cho biết, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra từ ngày 14/5 tại xã Chư Dôn. Theo đó, vùng dịch được xác định tại xã Chư Dôn. Các xã Ia Blứ, Ia Hrú và thị trấn Nhơn Hoà là những địa phương bị dịch uy hiếp. Các xã Ia Dreng, Ia Le là vùng đệm.

tram_kiem_dich_gia_lai_vov_sxgn.jpg
Một chốt kiểm dịch được dựng lên ở Gia Lai sau khi tỉnh công bố dịch.

UBND huyện Chư Pưh chỉ đạo trong thời gian có dịch, cấm mọi hoạt động mua bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật cảm nhiễm với bệnh dịch tả lợn Châu Phi ra, vào vùng có dịch; Yêu cầu UBND xã Chư Dôn thành lập Ban phòng, chống dịch bệnh động vật cấp xã, đồng thời phối hợp với ngành chức năng huyện phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; yêu cầu các xã thuộc vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm thực hiện phòng dịch.

Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Gia Lai ban hành công điện hoả tốc số 07/CĐ-UBND chỉ đạo các địa phương trong toàn tỉnh triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Cùng thời điểm, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã chủ trì cuộc họp tại UBND huyện Chư Pưh để chỉ đạo công tác tiêu huỷ lợn bị bệnh và các giải pháp phòng, chống dịch tại địa phương.

Trước đó, trong vòng 10 ngày từ ngày 14/5 đến ngày 23/5, tại huyện Chư Pưh, Gia Lai có có 135 con lợn của 35 hộ ở xã Chư Don bị chết. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh từ Chi cục Thú y tỉnh Gia Lai cho thấy số lợn chết này dương tính với với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Ngày 23/5/2019, tại xã Ia Le và Ia Blứ, huyện Chư Pưh tiếp tục có 24 con lợn bị chết, chưa xác định nguyên nhân. Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời để ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng.

*** Cùng ngày, tỉnh Đồng Tháp cũng đã công bố xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại 4 hộ chăn nuôi, thuộc ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng. Tổng đàn lợn mắc bệnh là 187 con.

Công tác vệ sinh chuồng trại phòng ngừa dịch bệnh đang được người chăn nuôi Đồng Tháp quan tâm.

Trước đó, chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy 3 mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vùng VII. Kết quả cho thấy dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Thống kê sơ bộ, ở địa phương này hiện tổng đàn lợn khoảng 200.000 con, trong đó nhiều nhất là ở thành phố Sa Đéc và các huyện: Châu Thành, Lai Vung, Tân Hồng. 

Trước diễn biến này, ngay trong chiều 24/5, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức cuộc họp khẩn, trực tuyến đến các huyện thị yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng chống. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; chủ động kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị xã, thành về công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định thành lập thêm 5 chốt kiểm dịch động vật ở các cửa ngõ đi vào địa bàn. Như vậy, đã có tổng cộng 14 trạm Kiểm dịch và chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh.

Ngoài Đồng Tháp, trước đó trong khu vực ĐBSCL đã có các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang và Kiên Giang cũng phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại các đàn lợn nuôi theo quy mô hộ gia đình./.