UBND huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai vừa ban hành công văn khẩn cấp về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại địa phương.
Chốt kiểm soát bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Chư Pưh. |
Cụ thể, tại công văn số 594/UBND-NL ngày 23/5/2019, UBND huyện Chư Pưh cho biết, trong vòng 10 ngày từ ngày 14/5 đến ngày 23/5, tại địa phương có có 135 con lợn của 35 hộ ở xã Chư Don bị chết. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh từ Chi cục Thú y tỉnh Gia Lai cho thấy số lợn chết này dương tính với với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Hiện nay, UBND huyện Chư Pưh đã xuất 24,5 triệu đồng và 114 lít Benkocid để phun tiêu độc khử trùng chuồng trại tại khu vực phát hiện lợn mắc bệnh; thành lập 2 chốt kiểm dịch hoạt động 24/24 giờ ngăn chặn không để gia súc và sản phẩm gia súc vận chuyển ra ngoài ổ dịch, tiêu độc tất cả các phương tiện giao thông từ vùng dịch đi ra; thu gom tất cả số lợn chết; tuyên truyền hộ chăn nuôi, buôn bán không vận chuyển, không giết mổ, tiêu thụ, không vứt lợn chết bệnh ra môi trường.
Cùng ngày 23/5/2019, tại xã Ia Le và Ia Blứ, huyện Chư Pưh tiếp tục có 24 con lợn bị chết, chưa xác định nguyên nhân. Đối với khu vực này, UBND huyện Chư Pưh chỉ đạo các ngành chuyên môn kiểm tra, cấp tạm ứng cho xã 24 lít Benkocid để phun tiêu độc khử trùng.
Hiện nay, quy mô đàn heo của huyện Chư Pưh là hơn 26.100 con, tập trung tại 5 trang trại lớn và hàng nghìn hộ chăn nuôi cá thể. (Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên)
Tiêu hủy đàn lợn bị dịch tả lợn châu phi ở Tân Hiệp (Kiên Giang). |
Trong khi đó vào sáng 24/5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang phối hợp với UBND huyện Tân Hiệp, UBND xã Tân Hiệp B tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 33 con của gia đình Bà Nguyễn Sol Pha ở xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp do có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn Châu Phi. Đây là ổ dịch được phát hiện đầu tiên ở tỉnh Kiên Giang.
Bà Nguyễn Sol Pha, ngụ tại xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp cho biết, ban đầu 4/33 con trong đàn lợn của gia đình có biểu hiện sốt cao, không ăn, lười vận động, ủ rũ. Gia đình đã đến cơ sở thú y mua thuốc về tự tiêm nhưng không hết. Nghi ngờ lợn có khả năng nhiễm dịch tả lợn Châu Phi nên ngày 22/5 bà Pha đã trình báo cho tổ kinh tế kĩ thuật của xã. Đến ngày 23/5, trạm chăn nuôi và thú y huyện Tân Hiệp xuống gia đình tiến hành lấy mẫu, đưa đi xét nghiệm. Sáng nay Cơ quan thú y vùng 7 ở TP Cần Thơ thông báo kết quả xét nghiệm dương tính với tả lợn Châu Phi.
Các đơn vị chức năng của Kiên Giang tiêu hủy lợn bệnh và khử trùng chuồng trại nơi ổ dịch. |
Bà Nguyễn Sol Pha cho biết: “Tuần trước đàn lợn ăn cũng đều nhưng có 2 con bị trước. Ba ngày sau 2 con kế bên cũng bị luôn, trong đó có 4 con nái. Sáng nay thấy có 1 con bị chết. Mấy ngày trước em cũng báo bên trạm vô lấy mẫu máu nên em đợi kết quả. Thật ra mấy ngày trước em cũng muốn bán đại đi nhưng suy nghĩ thấy dịch bệnh nhiều quá nếu mình bán thì dịch bệnh lại tràn lan ra nhiều nữa, ảnh hưởng cho mấy hộ nuôi khác nên em chịu đựng, thà là em chấp nhận lỗ".
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn Châu Phi, cũng trong sáng nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang phối hợp với UBND huyện Tân Hiệp, UBND xã Tân Hiệp B tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị bệnh; cung cấp 28 lít hóa chất để phục vụ công tác tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi có lợn bị nhiễm bệnh. Đồng thời khoanh vùng ổ dịch theo quy định để tiêu độc khử trùng liên tục trong 1 tuần, hạn chế cho người ra vào vùng có dịch để tránh lây lan ra diện rộng.
Ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Kiên Giang cho biết: “Kiên Giang đã phát hiện 1 ổ dịch, cần tập trung làm sao quản lý tốt địa bàn này để tránh trường hợp gia súc ra vào trong ổ dịch này. Đối với việc kiểm soát giết mổ, cần tập trung làm tốt công tác nhập đầu vào, kiểm soát đầu ra, tăng cường vệ sinh tiêu độc hằng ngày. Tình hình hiện nay do dịch bệnh này mới, không có thuốc điều trị và vắc xin tiêm phòng nên việc phòng chống gặp rất nhiều khó khăn, tốt nhất là có giải pháp tránh lây lan ra diện rộng”.
Theo ông Đức, trước tình hình này, Kiên Giang tiếp tục duy trì hoạt động 4 tổ kiểm dịch lưu động tại huyện Vĩnh Thuận, Châu Thành, Kiên Lương, An Minh; thành lập mới 3 tổ kiểm dịch ở huyện Gò Quao, Giồng Riềng và Tân Hiệp tại các đầu mối giao thông để thanh tra, kiểm dịch hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và giống thủy sản vào địa bàn. Hiện nay, tỉnh đang chuẩn bị thành lập thêm 2 tổ kiểm dịch tại huyện Hòn Đất và Giang Thành, đồng thời có thêm những chất phụ để kiểm tra việc lưu thông trong toàn tỉnh. (Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL)/.