Nhiều tháng nay, người dân sống dọc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông qua các quận như Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa (Hà Nội) thường thấy các đoàn tàu màu xanh ngược xuôi ra vào thành phố tại tuyến đường sắt trên cao. Vì vẫn đang trong giai đoạn chạy thử, không tải, nên các đoàn tàu chỉ dừng kỹ thuật thời gian ngắn ở các ga rồi lại đi tiếp về ga chính Cát Linh hoặc điểm depot (ga đầu mối) cuối tuyến tại Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Do quá quen với nhiều lần trễ hẹn ngày về đích (vận hành thương mại), thay vì chờ đợi, nhiều người dân tỏ ra thờ ơ với tiến độ dự án rất được kỳ vọng này.

vov_2_hlmc.jpg
Người dân Thủ đô bao giờ được hưởng lợi từ dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông?.
Theo thống kê, đến nay toàn bộ khối lượng công việc của Dự án cơ bản đã hoàn tất. Một số hạng mục đang được tiếp tục triển khai thi công như: cảnh quan các ga; cầu thang lên xuống, lắp đặt lan can kính các nhà ga, kiến trúc khu Depot; kết cấu bể tự hoại, bể tách dầu; hệ thống đường nội bộ; hàng rào bao quanh khu Depot; cảnh quan, cây xanh…Đây tuy được xem là những hạng mục phụ, nhưng thực tế cho thấy thời gian hoàn thành không thể một sớm một chiều.

Theo ghi nhận của phóng viên VOV tại một số nhà ga trên tuyến như La Khê, Yên Nghĩa những ngày qua, các hạng mục phụ xung quanh vẫn rất ngổn ngang; nơi có công nhân làm việc, nơi không. Nhiều đường dẫn lên nhà ga trở thành điểm tập kết phế thải, rác rưởi...

Công nhân làm việc tại khu vực nhà ga Yên Nghĩa ngày 1/3.
Ông Hồ Văn Long, trú tại phường La Khê, quận Hà Đông cho rằng, với những gì đã thấy và thực trạng thi công như hiện nay, thời điểm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào sử dụng, phục vụ nhân dân vẫn là câu hỏi lớn.

“Tôi thấy tiến độ chậm lắm. Tiến độ này làm sao mà đưa vào vận hành trong tháng 4 được. Về chuyên môn thì tôi thấy người ta cũng làm ngày làm đêm đấy, nhưng rất chậm. Một cái lỗi nữa mà ai cũng thấy là tất cả các nhà ga không có chỗ gửi xe máy. Nhiều người từ trong xa ra người ta phải gửi xe máy chứ. Như này người ta gửi ở đâu?”, ông Long nói.

Hình ảnh lối lên nhà ga tại 80 Quang Trung-Hà Đông.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức được khởi công tháng 10/2011, dự kiến ban đầu toàn bộ công trình sẽ được hoàn thành tháng 6/2014, tháng 6/2015 đưa vào khai thác. Tuy nhiên, sau đó vì nhiều lý do khác nhau, nhất là phải xác định lại tổng mức đầu tư, vướng giải phóng mặt bằng, dự án đã nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ. Và trong lần gần đây nhất, tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội vào tháng 4 năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể “chốt” lần cuối tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào vận hành thương mại cuối năm 2018. Đồng thời lưu ý, ban ngành liên quan những vấn đề phát sinh, nhất là các sự cố kỹ thuật, bởi nếu không được tập huấn, có sự chuẩn bị tốt sẽ rất khó khăn trong vận hành.

“Cuối năm nay chúng ta bắt đầu vận hành thương mại đường sắt Cát Linh Hà Đông. Nếu chúng ta không có sự chuẩn bi tốt thì chắc chắn sẽ khó. Theo chỉ đạo của Chính phủ, thành phố Hà Nội sau này sẽ vận hành. Bộ Giao thông triển khai, nghiệm thu, vận hành thử và bàn giao cho Hà nội. Đây là công tác phối hợp hết sức quan trọng giữa Bộ và thành phố Hà Nội”.

Một lần nữa cam kết về tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông của người đứng đầu ngành giao thông vận tải lại bị “vỡ”. Quý I/2019 gần trôi qua và những gì đang diễn ra trên thực địa cho thấy, câu hỏi bao giờ người dân Thủ đô được hưởng lợi từ dự án giao thông quan trọng này vẫn chưa có câu trả lời./.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài hơn 13km, đường đôi, khổ đường 1,435 m. Toàn tuyến có 12 nhà ga trên cao và khu Depot (ga đầu mối). Dự án có 13 đoàn tàu (mỗi đoàn tàu có 4 toa), khai thác với tần suất 3-5 phút/chuyến, tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h. Ban đầu dự án có tổng mức đầu tư 552 triệu đô-la (tương đương 8.769 tỷ đồng). Nhưng đến năm 2016, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên 868 triệu đô-la (tăng hơn 315 triệu đô-la, hơn 40% tổng mức đầu tư ban đầu).