Chiều 12/3, UBND huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Hội sản xuất nước mắm huyện Phú Quốc cùng 2 nhà nghiên cứu độc lập về nước mắm là TS. Trần Thị Dung và chuyên gia Vũ Thế Thành đã có buổi hội thảo xoay quanh bản dự thảo TCVN 12607: 2019 -  Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) chủ trì biên soạn đang làm dư luận dậy sóng trong mấy ngày qua.

mam5_tlef.jpg
Một cơ sở chế biến nước mắm truyền thống ở Phú Quốc.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc thông tin: tháng 7/2013, Liên minh châu Âu (EU) đã trao chứng nhận tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Việt Nam tại Brussels (Vương quốc Bỉ). Và đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được Liên minh châu Âu cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Nếu dự thảo Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản được ban hành, thì chứng nhận này không còn ý nghĩa gì cả.

“Nếu như nước mắm truyền thống mất đi thì thử hỏi giá trị của giấy chứng nhận này còn giá trị như thế nào mà giá trị này không chỉ cho nước mắm Phú Quốc mà đây là tài sản quốc gia. Để được công nhận chỉ dẫn địa lý này phải đáp ứng và thoả mãn rất nhiều điều kiện. Bên cạnh đó còn được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận làng nghề truyền thống, Nay nếu nước mắm truyền thống không còn thì những giá trị đó còn nữa hay không???”, ông Hưng đặt câu hỏi.

Chị Nguyễn Kim Chi, đại diện một cơ sở sản xuất nước mắm ở huyện Phú Quốc bức xúc cho rằng, “Mình sản xuất một đường, cái này (bản dự thảo-PV) viết một nẻo, thử hỏi bà con cô bác có làm theo được không, tôi đọc mấy ngày trời mà không hiểu gì luôn...”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Dung, người tâm huyết với nghề sản xuất nước mắm truyền thống.

TS. Trần Thị Dung, người đã có hơn 20 năm nghiên cứu và được mệnh danh là “tiến sĩ nước mắm” khẳng định, khái niệm “nước mắm” trong dự thảo TCVN 12607-2019 rõ ràng đã cố tình “đánh lận con đen”. Bởi theo đúng nghĩa của từ thì khái niệm này đã đánh đồng “nước mắm” với “nước mắm pha chế” (còn gọi là nước mắm công nghiệp).

TS Dung cho rằng may mắn là bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã phát hiện sự có mặt của bản dự thảo. Bởi bản dự thảo này đã lấy được số hiệu, tức rất gần với việc ký ban hành chính thức.

Còn chuyên gia Vũ Thế Thành cho rằng, bản dự thảo này thực sự là mối đe doạ với nghề làm nước mắm truyền thống. Theo ông Thành: “Một dự thảo mà có tới 50 điểm không phù hợp, thậm chí dùng từ “khuyết tật” để chỉ các lỗi hoặc sai sót trong quá trình sản xuất nước mắm thì nên dẹp bỏ, dừng hẳn việc xem xét thẩm định, thông qua chứ không nên tạm dừng làm gì”.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc.

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội sản xuất nước mắm huyện Phú Quốc khẳng định, Hội chưa hề nhận được bất kỳ bản dự thảo nào từ các đơn vị soạn thảo TCVN 12607-2019 nhưng trong bản dự thảo vẫn ghi “Ban soạn thảo văn bản này đã lấy ý kiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm ở Phú Quốc?”.

“Hội nước mắm sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng các quy phạm thực hành sản xuất nước mắm tách ra 2 quy phạm cho nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Mà muốn tách được cái này thì phải định nghĩa lại rõ ràng khái niệm nước mắm. Khi xây dựng thì phải lấy ý kiến của tất cả những người làm nước mắm truyền thống để họ đóng góp”, bà Liên kiến nghị.

Bà Hồ Thị Kim Liên cho rằng tuy hội thảo diễn ra hơi muộn, vì hiện nay Thứ trưởng Bộ KHCN đã có ý kiến tạm dừng thông qua quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có ý kiến chỉ đạo không để ảnh hưởng đến nước mắm truyền thống…nhưng Hội cũng sẽ có những đóng góp xác đáng để tổng hợp thành văn bản gửi Quốc hội, Thủ tướng và các bộ ngành liên quan xem xét và quyết định cho xây dựng hai bộ quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất nước mắm (nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp); Kiến nghị cho thực hiện đề tài khoa học cấp quốc gia đánh giá rủi ro cho histamine, kim loại nặng trong nước mắm; không tạo ra hàng rào kỹ thuật cho nước mắm Việt Nam trên trường quốc tế. 

Cuối cùng là đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các Bộ, ngành cho sớm thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam để tạo điều kiện, hỗ trợ cho ngành nghề nước mắm Việt Nam được bảo tồn phát triển ổn định./.