Tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan đi qua địa phận các huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng; Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế chậm tiến độ so với dự kiến. Nhà thầu thuê đất lâm nghiệp của người dân làm bãi thải phải kéo dài.

lson1_vov_mynm.jpg
Công trường thi công cap tốc La Sơn - Túy Loan.

Khi thời gian thuê đất đã hết, đơn vị thi công chưa thể bàn giao lại mặt bằng cho bà con nhưng lại không gia hạn hợp đồng. Đã vậy, việc đổ thải cũng không tuân thủ giao kết ban đầu, khiến  người dân bức xúc.

Tháng 4 năm 2015, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, chủ đầu tư dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan thuê hơn 4ha đất lâm nghiệp của một số hộ dân ở thôn Xuân Phú, xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế để làm bãi thải phục vụ thi công.

Bãi đổ thải được thuê từ tháng 4/2015 đến tháng 6/2018. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều hộ dân, sau khi hết hạn thuê đất, người dân đã làm đơn báo cáo chính quyền địa phương yêu cầu đơn vị thi công trả lại đất để bà con sản xuất. Đến nay, đơn vị thi công vẫn chưa thực hiện.

Thi công dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan.

Ông Phan Văn Đệ, ở thôn Xuân Phú, xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế phàn nàn: “Tôi có 1 lô đất ở đây. Một thời gian tôi cho thuê đất để làm bãi thải, thời hạn 3 năm, đến 31 tháng 6 là hết hạn nhưng hiện nay đã là cuối tháng 8 năm 2018 rồi. Tôi đã làm đơn gửi xã, gửi huyện cả rồi nhưng họ không giải quyết”.

Không những không thực hiện đúng thời hạn hợp đồng mà trong quá trình thuê đất làm bãi thải, đơn vị thi công lại sử dụng đất làm bãi trộn bê tông, xay nghiền đá, khiến nhiều người càng thêm bức xúc. Theo hợp đồng, đơn vị thi công chỉ thuê làm bãi đổ thải.

Thế nhưng, việc sử dụng sai mục đích gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm đất và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất lâm nghiệp sau này của bà con.

“Tôi cho thuê từ năm 2015, đến bây giờ hết hạn rồi nhưng công ty chưa trả lại đất cho gia đình. Nếu như mà hết hợp đồng thì công ty phải hợp đồng lại, nếu không thì trả lại mặt bằng cho dân trồng cây. Hiện bây giờ diện tích đất của bà con chuẩn bị cây giống cả rồi. Bây giờ không trả lại thì không được. Đề nghị trên giải quyết thế nào cho dân”, ông Võ Tuân, ở thôn Xuân Phú, xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị.

Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Hiện nay tại các bãi thải này, xây dựng các trạm trộn bê tông và do việc thực hiện không đúng quy định cho nên người dân có phản ứng.

“Tại các bãi thải này người dân đã ngăn chặn. Chúng tôi đã có tuyên truyền vận động, tuy nhiên người dân chưa thống nhất do sử dụng sai mục đích. Người dân có yêu cầu các nhà thầu có tiến hành thỏa thuận thương lượng lại với người dân”, ông Phụng nói.

Đại diện Ban Quản lý Đường Hồ Chí Minh, ông Phan Quang Lâm, chủ đầu tư dự án cao tốc La Sơn – Túy Loan cho biết, đơn vị thi công sẽ đề nghị chính quyền địa phương và người dân kéo dài thời hạn hợp đồng đến cuối năm nay.

“Trước phản ánh của người dân, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương để xin tiếp tục gia hạn bãi thải để phục vụ cho dự án  đường cao tốc Sơn La - Túy Loan và sẽ cố gắng thực hiện theo đúng cam kết để hoàn thành tiến độ trong tháng 12 năm 2018 và hoàn trả mặt bằng cho bà con  phục vụ sản xuất”, ông Lâm nói./.