Sáng 7/10, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tổ chức Plan International Việt Nam  tổ chức Diễn đàn trẻ em gái năm 2018 với chủ đề “Thúc đẩy quyền của trẻ em gái để thay đổi và phát triển”.

em_gai_ylhd.jpg
Nơi công cộng các em gái nhiều nguy cơ và rủi ro (Ảnh minh họa).

Tại diễn đàn, 100 trẻ em gái đại diện cho hàng triệu trẻ em gái trên toàn quốc tham gia đối thoại với lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các Bộ, ngành trung ương và  địa phương và Trung ương Đoàn về 2 chủ đề: “An toàn với trẻ em gái ở nơi công cộng”,  “Tảo hôn và các hệ lụy”.

Em Nguyễn Hoàng Hà, ở thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện chưa có nhiều nơi vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em gái, em mong muốn có nhiều khu vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em gái hơn để các em được tự do chia sẻ những vấn đề cá nhân thoải mái hơn. Đại diện cho các trẻ em gái, em mong muốn có nhiều hơn nữa sự quan tâm từ gia đình, được trang bị thêm kiến thức về giới, bình đẳng giới; có những phương tiện đảm bảo an toàn hơn như lắp rào chắn và biển báo ở các kênh, mương, ao, hồ, sông suối; lắp camera ở các khu vui chơi, in số điện thoại đường dây nóng trên bìa vở để trẻ em có thể liên hệ ngay khi gặp tình huống xấu, đồng thời có thêm dự thảo xử lý việc quấy rối trẻ em…

Em Trần Thị Ngọc, trường THCS Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội chia sẻ, ở nơi công cộng, trẻ em gái có thể gặp nhiều nguy cơ và rủi ro, cần được sự bảo vệ tốt hơn.Trần Thị Ngọc mong muốn mở ra chương trình hành động và có biện pháp để bảo vệ trẻ em gái tốt hơn: “Em muốn gửi thông điệp rằng “thành phố an toàn cho trẻ em gái là thành phố là thành phố cho tất cả mọi người”. Ngoài việc được giáo dục thì chúng em cũng cần tự tìm hiểu và trang bị kiến thức cho mình. Với bạn bè thì mình cũng có thể chia sẻ kiến thức với các bạn. Nếu không đưa ra được giải pháp cho vấn đề đó thì chúng em sẽ nói chuyện với những người mình tin cậy để có giải pháp tốt hơn”.

Một số trẻ em gái chia sẻ về nạn tảo hôn và các hệ lụy tại địa phương, em Hồ Thị Hữu, tỉnh Quảng Trị chia sẻ, chứng kiến một người bạn cùng học lấy chồng sớm và vì không có kiến thức về sinh sản nên để lại hậu quả rất nghiêm trọng: “Những hậu quả mà nạn tảo hôn mang lại như vì chưa phát triển về sức khỏe sinh sản nên khi sinh con, con chết, hoặc nguyên nhân cao mẹ cũng tử vong, hoặc người mẹ mắc nhiều loại bệnh trở thành gánh nặng cho xã hội. Em mong muốn Chính phủ có biện pháp quản lý nghiêm, sẽ bổ sung thêm các luật, phạt nặng  những đôi tảo hôn để họ không dám tảo hôn nữa. Bên cạnh đó, hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình khó khăn, hỗ trợ đồ dùng học tập và học bổng cho các bạn học sinh nghèo vượt khó”.

Tại diễn đàn, các em cũng nêu nhiều câu hỏi cần được giải đáp, đó là: vấn đề trẻ em bị quấy rối nơi công cộng, trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực bởi chính người thân, nhất là tại các gia đình bố mẹ ly hôn, cha dượng xâm hại con vợ; Trẻ em vùng núi, vùng sâu, vùng xa phải đi học quãng đường dài, rất dễ bị tại nạn thương tích, nguy cơ bị bắt cóc, bị bán ra nước ngoài; Vấn nạn tảo hôn ở một số vùng dân tộc thiểu số…

Những câu hỏi của các em đã được lãnh đạo đại diện cho các bộ ngành như Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Công an, Ủy ban Mặt trận tổ quốc… giải đáp cụ thể.  

Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Chúng tôi cũng đã có nhiều bước làm thiết thực khi xây dựng Luật trẻ em 2016 những vấn đề này đã đặt ra. Chúng tôi có những quy định rất cụ thể trách nhiệm của từng bộ  ngành, từng cơ quan, tổ chức, nòng cốt là Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để sao cho công tác bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo hành, xâm hại, chúng tôi cũng có quy định rõ những nhiệm vụ đối với người làm công tác trẻ em cấp xã.

Đặt vấn đề với Chính phủ phải có cơ chế điều phối liên ngành, Chính phủ cũng đã nhanh chóng thành lập Ủy ban Quốc gia vì trẻ em,có đường dây quốc gia 111, đường dây nóng bảo vệ trẻ em và nhiều các hoạt động khác”.

Ngay sau diễn đàn, chiều nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ chủ trì tổ chức họp cùng lãnh đạo các địa phương, đơn vị tham dự diễn đàn để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của trẻ em gái tại diễn đàn và lên kế hoạch thúc đẩy quyền của trẻ em gái nói riêng và trao quyền của trẻ em nói chung theo quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị./.