Dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên diện rộng, gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế nước ta. Cả nước hiện có hơn 2,4 triệu hộ nuôi lợn nhỏ lẻ nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.
Trong khi dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp thì không ít địa phương còn lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống, khoanh vùng dập dịch. Hiện, hầu hết các điểm chốt chặn vùng nông thôn không có người canh giữ, lợn được chở từ vùng này sang vùng khác.
Việc lấy mẫu xét nghiệm cũng còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng tiêu hủy nhầm những con lợn khỏe mạnh. Người chăn nuôi đối mặt với muôn vàn khó khăn trong việc duy trì đàn lợn cũng như tái đàn.
Trong khi đó, Nhà nước phải chi ra một khoản tiền lớn để chống dịch, hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Từ thực tế tại các tỉnh miền Trung, nhóm phóng viên VOV thường trú khu vực miền Trung thực hiện loạt phóng sự: “Dịch tả lợn châu Phi: Dân thiệt đơn, Nhà nước thiệt kép!”.
Nằm cách thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế chừng 10 km, trang trại chăn nuôi lợn quy mô gần 800 con của bà Trần Thị Mỹ Lệ ở thôn Tây Trì Nhơn, xã Phú Thượng vắng vẻ, đìu hiu. Những ô chuồng trống hoác. Trang trại nằm giữa cánh đồng lúa, chung quanh ẩm thấp. Dịch tả lợn Châu Phi phát tán trong không khí rất nhanh, cũng đã lây lan sang trang trại này.
Cân lợn xác định trọng lượng để hỗ trợ sau này. |
Bà Trần Thị Mỹ Lệ, chủ trang trại kể, cách đây gần 1 tháng, khi dịch bệnh chưa xảy ra, ngày nào bà cũng túc trực ở trang trại rải vôi, phun thuốc. Cầm cự được thời gian ngắn thì dịch ập đến. Ngày 13/6, trang trại của bà bắt đầu có dịch. 14 con lợn chết buộc phải tiêu hủy ngay trong ngày.
Một tuần sau đó, dịch lây sang tất cả các ô chuồng, ngày nào cũng có hàng chục con lợn chết, cho đến khi trang trại không còn con nào. Chính quyền, ngành chức năng đến lập biên bản đồng ý tiêu hủy toàn bộ số lợn chết cũng như đang bỏ ăn. Tiền đầu tư làm chuồng trại, chăn nuôi hết 3 tỷ đồng. Chủ trang trại chịu tổn thất gần một nửa, còn lại Nhà nước “gánh” khoản hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Mỹ Lệ than thở: “Tâm huyết, đam mê của tôi giờ chừ không còn nữa. Để vậy vài tháng nữa, nếu có vaccine thì tái đàn, không có thì thôi, chắc là đóng trại rồi sau nuôi ít gà, chứ giờ lợn chết hết rồi”.
Bà Trần Thị Mỹ Lệ buồn bã vì trang trại không còn con lợn nào. |
Thị trấn Phú Đa, trung tâm huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế đa số người dân ở đây làm ruộng, đời sống khó khăn. Chăn nuôi vùng này không phải là nghề chính nhưng cũng giúp bà con có đồng ra đồng vào.
Dịch tả lợn Châu Phi tràn qua như một cơn lốc. Ban đầu, chỉ vài con lợn ngã bệnh chết. Sau đó, dịch lây truyền chóng mặt khiến địa phương mất kiểm soát. Đây là một trong những địa phương có tỷ lệ lợn tiêu hủy cao nhất miền Trung (chiếm khoảng 30% tổng đàn, tỷ lệ này cả nước khoảng 7%).
Người nông dân vốn gầy guộc càng thêm bơ phờ vì nỗi lo dịch bệnh. Nhưng rồi dịch bệnh cũng không chừa nhà nào. Một số thôn, tỷ lệ lợn mắc bệnh chiếm đến gần một nửa tổng đàn. Chuồng lợn nhà nào nhà nấy loang lỗ phân vôi, chỗ thì lợn chết xong mới dọn dẹp, chỗ thì còn nguyên phân lợn. Nhà nào lợn còn sống sót thì cũng sụt sùi bọt mép, trắng bệch, nằm chờ chết.
Lợn chết như ngả rạ ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. |
Ông Nguyễn Xuân Lãm ở thôn Đức Thái, thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế than thở, ở vùng cát trắng này, nuôi lợn không chỉ để bán mà còn lấy phân bón rau, màu. Lợn chết hết, cây trồng vài bữa cũng chết theo.
“Tôi kêu người tới chích thuốc họ không chích. Họ nói bị bệnh dịch rồi, tôi cũng chịu bó tay. Vốn liếng của tôi bao nhiêu tập trung vô đó hết rồi. Tôi mà biết bệnh này thì lúc lợn được năm, sáu chục cân tui bán hết. Toàn bộ cá xã này lợn tơ chết sau, lợn nái chết trước hết rồi. Giống bây giờ, đi vùng mô mà không có dịch. Hình như Thừa Thiên - Huế toàn bộ có dịch hết rồi”, ông Lãm nói.
Lợn chết như ngả rạ khiến chính quyền và ngành chức năng ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế gần như bất lực. Khi dịch đã phủ kín địa bàn thì lợn nhà ai chết, nhà nấy tự đi chôn.
Bà Võ Thị Hoa, ở thôn Thanh Nam, thị trấn Phú Đa cho biết, dịch bệnh tràn lan nên nhà nào có lợn chết mới báo với xã. Chính quyền và ngành chức năng đến lập biên bản xong rồi vứt đó cho chủ hộ tự xử lý. Nhà có lao động thì đào cái hố sâu một tí. Nhà nào chỉ có phụ nữ, trẻ em thì xúm nhau lại kéo lợn ra sau hè, đào cái hục vừa đủ lấp con lợn. Không rải vôi tiêu độc, khử trùng nên trời nắng, xác lợn trương phình lên, bốc mùi hôi thối khắp vùng. Đây chính là lý do làm cho dịch phát tán trong không khí, lây lan nhanh chóng.
Kiểm tra chuồng lợn nhà ông Nguyễn Xuân Lãm ở thị trấn Phú Đa. |
Hơn 3 tháng kể từ khi ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên đàn lợn của cả ngàn hộ chăn nuôi ở hầu hết các huyện, thành phố của tỉnh này (trừ huyện Nam Đông). Dịch bệnh gây thiệt hại lớn đối với chăn nuôi. Chính quyền không biết lấy đâu ra tiền để hỗ trợ người dân, khi mà số lượng lợn tiêu hủy tăng theo cấp số nhân và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ở tỉnh Quảng Bình, dịch tả lợn Châu Phi cũng làm cho bầu không khí ảm đạm, u ám bao quanh nhiều làng quê. Ngoài giờ đi làm đồng về, người dân chỉ biết loanh quanh trong nhà, họ không giao tiếp, trò chuyện với bất kỳ ai ở những gia đình có lợn bị dịch. Ngay cả đám trẻ nhỏ cũng bị người lớn cấm vui chơi ở nhà bên cạnh có dịch. Họ sợ lũ trẻ vô tình mang vi rút dịch về lây lan cho đàn lợn nhà mình. Với nhiều gia đình, đàn lợn là cả sản nghiệp của họ. Con cái ăn học, trả nợ tiền thuốc men, thực phẩm đều trông chờ vào chăn nuôi lợn.
Dịch tả lợn Châu Phi tràn qua vùng quê đã trở thành nỗi ám ảnh đối người nông dân. Đêm về, những thương lái chạy xe dọc Quốc lộ 1A với chiếc lồng trống hoác, gương mặt buồn bã như mất mùa. Những ai chở theo bao lác, bao tải nghi vấn chở lợn dịch, đều bị lực lượng thú y kiểm soát gắt gao, yêu cầu phải dừng xe kiểm tra.
Địa điểm chôn lợn chết ngay sau hè các hộ dân ở thị trấn Phú Đa. |
Chị Mai Thị Ới, người dân thôn 1 Thanh Tân, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, đàn lợn của gia đình chị bị dịch tả lợn chết gần 30 con. Mới đầu phát hiện lợn bị dịch, chị tự đi mua thuốc thú y về chữa trị. Tiêm thuốc liên tục mà đàn lợn vẫn bỏ ăn, ngã lăn ra chết. Chết con nào, gia đình chị bỏ vào bao tải, chất lên xe chở ra bãi rác đầu làng chôn lấp sơ sài.
Chỉ đến khi lợn chết ngã rạp gần hết chuồng, chị Ới mới chịu đi báo với cán bộ thú y địa phương. Theo chị Ới, việc báo dịch bệnh khiến nhiều người dân trong làng hoang mang. Ngoài lo sợ đàn lợn bị nhiễm dịch bệnh từ hộ chăn nuôi này thì người dân lo ngại lợn nhà không bán được.
“Họ chửi tôi vì tôi đi báo lợn dịch. Họ không bán lợn được, trên chợ cấm lợn, cấm chợ. Chừ làng xóm chửi nguyền rủa tôi hết cỡ. Họ chốt ổ dịch nên không cho tiêu thụ lợn, mổ lợn”, chị Mai Thị Ới chia sẻ.
Tại tỉnh Quảng Trị, dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh chóng, vượt quá khả năng kiểm soát của địa phương. Khi lợn nhiễm bệnh, nhiều hộ không báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan thú y mà tự giết mổ lấy thịt. Một số trường hợp lợn bị lây nhiễm do dùng thức ăn dư thừa của các hộ bị dịch đã tiêu hủy lợn. Số thức ăn thừa được trả về đại lý nhưng không tiêu độc khử trùng trước khi bán lại. Trước tình hình đó, địa phương tạm dừng kiểm soát trên các tuyến Quốc lộ, đưa cán bộ về kiểm soát tại các đường làng ngõ xóm, vệ sinh dịch tể, đẩy nhanh tiến độ khoanh vùng để dập dịch.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Hiện nay, tỉnh dừng việc kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, đưa người về kiểm soát ở các đường làng, ngõ xóm, vệ sinh dịch tễ cũng như đẩy nhanh tiến độ khoanh vùng dập dịch và tăng cường cho địa bàn trọng điểm quan trọng chứ không tập trung ở các tuyến đường lớn lãng phí, hiệu quả không cao bằng đưa cán bộ về tận cơ sở, tận địa bàn để cùng với nhân dân triển khai khoang vùng, khống chế không để lây lan ra nữa.Theo thống kê mới nhất của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì dịch tả lợn châu Phi đã được ghi nhận xảy ra tại 4.442 xã, 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy tăng lên hơn 3,3 triệu con.
Đến thời điểm hiện tại, Ninh Thuận là tỉnh duy nhất chưa bị dịch tả lợn Châu Phi tấn công. Đáng lưu ý, dịch tả lợn châu Phi có xu hướng tái phát trở lại ở nhiều địa phương sau một thời gian dài không ghi nhận lợn chết vì dịch. Theo thống kê, cả nước có 106 xã thuộc 23 tỉnh, thành phố xảy ra những ổ dịch đã qua 30 ngày, nhưng sau đó lại phát sinh trở lại các ổ dịch mới.
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lây lan nhanh nhưng không ít địa phương lại tỏ ra thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống. Một số nơi còn khoán trắng cho lực lượng thú y cơ sở. Chúng tôi sẽ tiếp tục câu chuyện này trong những bài tiếp theo./.