Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 470.000 con (chiếm gần 25% tổng đàn). Không chỉ các hộ chăn nuôi có lợn bị mắc bệnh lâm vào cảnh lao đao, mà những hộ chăn nuôi chưa có lợn mắc bệnh cũng khó khăn không kém.

dich_ta_namx.jpg

Tiêu hủy lợn bị bệnh tả châu Phi ở xã Thanh Bình (Chương Mỹ, Hà Nội) ngày 29/6. (Ảnh: Vnexpress)

Nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, kéo dài. Dịch bệnh tiếp tục xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, có chiều hướng xảy ra tại các hộ chăn nuôi có quy mô lớn, các huyện có tổng đàn lợn lớn như: Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thạch Thất, Mỹ Đức, Ứng Hòa… Việc kiểm soát lưu thông, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn còn bất cập. Công tác tiêu hủy lợn với số lượng lớn, nếu không làm tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường có thể gây phát sinh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.

“Chúng tôi cũng đã xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến xử lý lợn chết. Tránh tình trạng vứt lợn chết bừa bãi. Nhất là những trường hợp lợn chết ở địa phương này vứt sang địa phương khác”- ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín nói.

Các hộ chăn nuôi không chỉ thiệt hại lớn do lợn bị mắc bệnh, mà việc nhận tiền hỗ trợ cũng đang gặp khó khăn, nguyên do là ngân sách dự phòng của thành phố đã hết. Theo quy định của Hà Nội, chậm nhất sau 7 ngày, người dân có lợn bị tiêu hủy, sẽ nhận được tiền hỗ trợ. Tuy nhiên đến nay nhiều huyện, giữa tháng 6 đã hết ngân sách dự phòng để chi trả.

 Thống kê cũng cho thấy, ước tính thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn Hà Nội khoảng 1.000 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí hỗ trợ tiêu hủy, hóa chất, phòng chống dịch.

Không chỉ các hộ chăn nuôi có lợn bị mắc bệnh lâm vào cảnh lao đao, mà những hộ “may mắn” hơn - lợn không mắc bệnh cũng khó khăn không kém. Đó là việc chăn nuôi cầm cự với số chi phí thức ăn, phòng dịch mỗi ngày. Lợn an toàn nhưng phần lớn các hộ chăn nuôi không bán được vì công tác kiểm dịch quá khó khăn.

Ông Chu Văn Khang, Bí thư xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, đối với những hộ gia đình có lợn an toàn, đến thời điểm xuất chuồng mà không xuất được thì cũng sẽ rất khó khăn. Họ phải nuôi cầm cự, tốn kém chi phí thức ăn.

Một tín hiệu khả quan, đến nay đã có 48 xã, phường thuộc 15 quận, huyện qua 30 ngày không phát sinh dịch tả lợn châu Phi như tại phường Gia Thụy, Thượng Thanh, Phúc Đồng (quận Long Biên); Thanh Trì, Vĩnh Hưng, Định Công (quận Hoàng Mai); xã Văn Nhân, thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên)...

“Thực tế hiện nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn phường đã khống chế được, nhưng cũng không dám chắc là dịch không quay trở lại. Chúng tôi phối hợp với người chăn nuôi thực hiện phòng chống dịch tối đa nhất.”- ông Dương Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai cho biết./.

Đến ngày 03/7,  dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh tại 209 hộ chăn nuôi thuộc 18 quận, huyện, thị xã trên đàn thành phố Hà Nội; làm mắc bệnh, tiêu hủy 4.438 con lợn. Để đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh dịch, thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 218 tấn hóa chất, 7.386 tấn vôi bột phục vụ việc khử trùng, tiêu độc ổ dịch, nơi nguy cơ mắc bệnh cao...