Tính đến chiều qua (4/7), bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 83 hộ ở 16 thôn thuộc 8 xã, thị trấn của 5 huyện, thành phố trong tỉnh gồm: Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Cát Tiên và thành phố Bảo Lộc. Tất cả 2.065 con lợn mắc bệnh đã được lực lượng chức năng tiêu hủy, với tổng trọng lượng gần 235 tấn.

vov_ta_lon_shxx.png
Người dân huyện Đức Trọng chở lợn mắc bệnh đi tiêu hủy

Cùng với việc công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhanh chóng phối hợp chính quyền và ngành chức năng triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật; lập các chốt, trạm để kiểm soát vận chuyển gia súc.

Theo ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y, thủy sản tỉnh Lâm Đồng, bên cạnh công tác phòng chống dịch, địa phương cũng đẩy mạnh tuyên tuyền người dân không nên có tâm lý quay lưng với các sản phẩm từ thịt lợn. 

“Ngành chăn nuôi thú y khuyến cáo người dân tạm thời không nên tăng đàn, tái đàn khi chưa đảm bảo an toàn về dịch bệnh. Nếu có lợn mắc bệnh phải báo với chính quyền địa phương và cơ quan thú y sở tại để có nhưng bước xác định bệnh, hướng dẫn phòng chống dịch kịp thời. Không mua bán các sản phẩm lợn mặc bệnh cũng như ốm không rõ nguyên nhân. Đặc biệt, bệnh này chỉ lây trên lợn khong lây qua người. Do đó người tiêu dùng không nên quay lưng với sản phẩm thịt lợn đã được kiểm an toàn thực phẩm”, ông Phạm Phi Long nói.

* Cũng liên quan đến dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Tây Nguyên, dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục gây hại trên đàn lợn tại tỉnh Gia Lai, số lượng lợn bị tiêu hủy tăng lên từng ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại cũng đang gặp nhiều vướng mắc.

Tiêu hủy lợn mắc bệnh tả lợn Châu Phi tại Gia Lai.

Tính đến hết ngày 4/7, toàn tỉnh Gia Lai đã có khoảng 1.500 con lợn bị tiêu hủy vì nhiễm bệnh tả lợn Châu Phi với khối lượng gần 42 tấn. Bốn huyện có lợn bị bệnh bao gồm: Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ và Phú Thiện. Trong khi một số xã trọng điểm trước đó đã cơ bản khống chế được dịch thì dịch lại lây lan sang nhiều xã mới. Điển hình là tại huyện Phú Thiện, huyện mới nhất có dịch, trong vòng nửa tháng đã có thêm 3 xã xuất hiện lợn mắc bệnh.

Ông Dương Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, cùng với đẩy mạnh công tác phòng chống dịch lây lan, việc xác định giá hỗ trợ tiêu hủy lợn gặp nhiều khó khăn.

“Việc hỗ trợ cho bà con chăn nuôi ở tỉnh phức tạp hơn các tỉnh khác. Ở các tỉnh khác, ví dụ thành phố Hồ Chí Minh, họ chỉ cần lấy 80% giá lợn của Vissan hoặc CP, lợn loại 1 giá 40.000đ thì lấy 32.000đ là xong. Đối với lợn nái và lợn đực giống đang sản xuất, khai thác thì nhân với 1,2- 2 lần theo Nghị quyết 16. Nhưng ở tỉnh Gia Lai, thì nếu lấy giá của CP là 37.000đ mà áp dụng với lợn rừng lai và lợn của bà con dân tộc thiểu số thì thiệt thòi cho bà con quá. Tại vì trọng lượng của một con lợn ở vùng dân tộc thiểu số thì chỉ hơn 10kg thôi. Như vậy, không thực tế với giá thị trường ở đây”, ông Thanh nói./.