Ngay sau đợt hạn - mặn xảy ra đã có nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả đối với hạn - mặn và phát triển ổn định vùng ven biển.

Hạn - mặn nặng nề

Mùa khô 2015-2016, hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, ước tính thiệt hại 5.500 tỷ đồng, trong đó sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề nhất với trên 160.000ha đất canh tác.

han_man_ylve.jpg
Ảnh minh họa

Các chuyên gia môi trường cho rằng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng được xem là những vấn đề hệ trọng đối với vùng ĐBSCL. Hạn mặn lịch sử 2015 - 2016 cộng với tình hình nước lũ về giảm cho thấy ảnh hưởng của sự phát triển các công trình tích nước ở thượng lưu khiến dòng chảy thay đổi trái quy luật, làm trầm trọng thêm nguy cơ cạn kiệt nguồn nước.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu phân tích: “Hạn hán năm nay là bài học tốt để nhìn nhận lại câu chuyện bố trí quy hoạch trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Theo phân tích của các nhà khoa học, hạn - mặn xảy ra có quá trình diễn biến trong một giai đoạn. ĐBSCL là một phần của lưu vực sông Mê Kông và giáp biển, cho nên bất cứ khi nào dòng Mê Kông yếu đi thì nước biển lấn sâu vào. Trong năm cực đoan, biển lấn vào càng nhiều hơn.

Như vậy, cơ hội để ĐBSCL giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu nước ngọt và xâm mặn trong ngắn hạn là điều gần như không thể xảy ra. Vì kể cả khi hạn hán do lượng mưa ít do tác động của El Nino chấm dứt, thì lượng nước ngọt cho phần lớn diện tích canh tác của khu vực này không thể đủ như trước đây do tác động của hơn 10 con đập lớn nhỏ trên dòng chính Mê Kông.

Nếu muốn tiếp tục tình trạng “ngọt hóa” phần lớn diện tích đồng bằng như trước đây, khu vực này cần hàng thập kỷ để xây dựng các hồ chứa nước ngọt khổng lồ, các hệ thống kênh ngăn mặn và các hệ thống tưới tiêu và dẫn nước ngọt quy mô.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL cho rằng: “Nên phân đồng bằng ra làm 3 vùng: ngọt khống chế, ngọt mặn tranh chấp và mặn hoàn toàn, nhưng ranh giới 3 vùng không cố định. Phải sống với thực tế đó, nhìn vấn đề một cách sống động để xem bây giờ phải làm gì. Việc trước tiên cần sử dụng nguồn nước ngọt như một tài nguyên quý cần tiết kiệm”.

Áp dụng nguyên tắc “đầu tư không hối tiếc”

Nhiều chuyên gia về môi trường, nông nghiệp dự báo, mùa khô 2017 có thể không quá khốc liệt như thời điểm năm 2015 - 2016 nhưng mức độ thiệt hại sẽ không nhỏ. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 45% diện tích toàn vùng ĐBSCL có thể bị nhiễm mặn nếu các đập thủy điện đầu nguồn sông Mê Kông tích nước, không cung cấp đủ nước để đẩy mặn ra biển.

Những diễn biến cực đoan của thời tiết và từ tác động của con người ở khu vực đòi hỏi phải nhanh chóng có những giải pháp lâu dài nhằm kiểm soát nguồn nước, điều chỉnh quy hoạch sản xuất của từng vùng, tiểu vùng để đảm bảo sinh kế cho dân cư vùng ĐBSCL.

Theo các chuyên gia sẽ không có phương thức giải quyết nào hiệu quả nếu như không thỏa mãn các tiêu chí: “đầu tư không hối tiếc”, lựa chọn “hạ tầng hợp lý” để có khả năng thích ứng cao với tác động của biến đổi khí hậu.

Rõ ràng, trong bối cảnh phần lớn diện tích canh tác ĐBSCL vẫn được sử dụng để trồng lúa có giá trị và năng suất thấp như hiện nay, thì việc bỏ ra hàng tỷ USD và hàng thập kỷ xây dựng hệ thống hồ chứa nước và kênh ngăn mặn đồ sộ như vậy để tiếp tục canh tác cây lúa là không khả thi.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về môi trường nhấn mạnh: “Một trong những nguyên tắc thích ứng với biến đổi khí hậu là nên áp dụng nguyên tắc “đầu tư không hối tiếc”.

Trước các thiên tai dần hướng về các cực trị đã đến lúc “an ninh dòng chảy kiệt” cần được xem như là một chiến lược, một quốc sách cho hiện tại và tương lai của cả nước cũng như khu vực ĐBSCL./.