Đợt hạn hán vừa qua, các tỉnh khu vực Tây Nguyên bị thiệt hại nặng nề với hàng trăm nghìn ha cây trồng mất trắng và giảm năng suất. Để người dân trong khu vực có điều kiện khôi phục sản xuất, Chính phủ đã kịp thời có chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả hạn hán. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số nơi đã có dấu hiệu thiếu trách nhiệm và trục lợi, khiến người dân bức xúc và dẫn đến khiếu kiện đông người.

vov_nguoi_dan_2_lwna.jpg
Người dân xã Ia Hlop tập trung tại xã yêu cầu làm rõ bất cập trong việc hỗ trợ thiệt hại hạn hán.

Ông Hồ Văn Tình, ở thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai có khu rẫy rộng 1,6 ha, trong đó có 9 sào trồng cà phê và 7 sào trồng hồ tiêu. Gần như toàn bộ diện tích này đã bị mất trắng trong đợt hạn hán vừa qua, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Ông Tình không hay biết gì về chính sách hỗ trợ thiệt hại hạn hán cho đến khi thấy một số hộ trong thôn được nhận khoản tiền này. Nỗi bức xúc của ông Tình càng gia tăng khi nghe tin, một số hộ trong thôn dù không có cà phê, hồ tiêu vẫn được nhận tiền hỗ trợ hạn hán.
Những bất thường như: trong cùng một thôn, làng, các hộ dân thiệt hại giống nhau nhưng người được nhận, người không được nhận tiền hỗ trợ; một số hộ dù thiệt hại rất ít nhưng lại được kê khai lên để nhận thêm tiền; trong khi những hộ thiệt hại nặng thì không được thông báo để kê khai, diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, có nơi, người dân còn tố cán bộ thôn, xã, lợi dụng chính sách để cấp phát tiền cho người thân. Từ đó, khiến tình trạng khiếu kiện đông người xảy ra ở nhiều huyện của tỉnh Gia Lai. Điển hình là tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Păh, Chư Prông, Đức Cơ.
Mặt khác, việc thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại hạn hán có bất cập, sai sót còn do sự thiếu hiểu biết của người dân và thiếu trách nhiệm của cán bộ cấp thôn và xã. Nhiều hộ dân không kê khai diện tích cây trồng bị hạn vì nghĩ rằng: Nhà nước chỉ hỗ trợ cho các đối tượng hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Cán bộ thôn lập danh sách các hộ thiệt hại thì chỉ mang tính đối phó, một số hộ kê khai gian dối, còn chính quyền xã lại không kiểm tra, giám sát cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Tuần, Trưởng thôn 5, xã Ia H’lốp, huyện Chư Sê, Gia Lai, thừa nhận: “Những năm trước cũng có chủ trương hỗ trợ hạn hán nhưng khi kê khai ra thì không có. Năm nay, một phần là do sự vội vàng của công văn, thời gian gấp quá, một phần nữa cứ nghĩ như những năm trước không được hỗ trợ nên một số cán bộ của thôn đang còn thiếu trách nhiệm trong vấn đề này”.
Thiếu trách nhiệm đã rõ ràng, nhưng bằng nhiều lý do, chính quyền cơ sở vẫn biện minh, phủ nhận. Ông Nguyễn Bá Hoành Thiên, Phó chủ tịch UBND xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, phân trần:
"Trong đợt rà soát này, không phải bất cập mà cũng không phải không công bằng. Do thời gian rà soát hỗ trợ trong đợt 1 đã hết, nhưng sau đó thời gian nắng hạn kéo dài, rà soát đợt 2 diện tích hạn càng tăng lên, nhưng những hộ được rà soát trong đợt 2 chưa có chủ trương để hỗ trợ chứ không phải xã không rà soát đến nơi".
Sẽ xử lý nghiêm sai phạm
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê thừa nhận, có sự lúng túng trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại hạn hán dẫn đến sai sót, bất cập. Chính quyền các cấp trong huyện Chư Sê đang thực hiện các giải pháp để khắc phục hậu quả.

Vườn cà phê mất trắng vì hạn hán của ông Hồ Văn Tình.
“Bây giờ quan trọng là người dân chưa được kê khai thì chúng tôi chỉ đạo chính quyền cơ sở phải kê khai lại, rồi báo cáo tỉnh có định hướng chỉ đạo. Còn những hộ thiệt hại chỉ 30-70% mà nhận tiền ở mức 100% thì chính quyền cương quyết thu hồi số tiền đó lại cho ngân sách.”- Ông Tâm cho biết.
Trong đợt hạn hán vừa qua, tỉnh Gia Lai có trên 30 nghìn ha cây trồng bị hạn với tổng thiệt hại hơn 840 tỷ đồng. Hạn hán diễn ra trên diện rộng, ở hầu hết các huyện thị xã trong tỉnh. Thực hiện chính sách của Chính phủ về hỗ trợ khắc phục hậu quả hạn hán, với ngân sách của trung ương và địa phương, UBND tỉnh Gia Lai đã phân bổ số tiền hơn 36 tỷ đồng về cơ sở để cấp phát đến người dân.
Theo quy định, mỗi hec-ta cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm (chủ yếu là cà phê, hồ tiêu, điều) bị thiệt hại năng suất trên 70% được hỗ trợ 4 triệu đồng; thiệt hại từ 30% đến 70% được hỗ trợ 2 triệu đồng. Cùng với hỗ trợ tiền, tỉnh Gia Lai cũng xuất ngân sách hơn 14 tỷ 500 triệu đồng mua giống cây trồng cấp về cho người dân. Tuy nhiên, do thiếu minh bạch, công bằng trong việc thực hiện, nhiều nơi đã xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người. Khắc phục tình trạng này, tỉnh Gia Lai đã đã chỉ đạo các ngành và UBND các huyện tổ chức kiểm tra, làm rõ, xác định trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức để xử lý theo quy định pháp luật.
Ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, cho biết: “Quan điểm sai thì phải sửa. Nếu có dấu hiệu nguy hiểm phải ngăn chặn ngay. Nguy hiểm ở đây là chỉ không đúng đối tượng làm mất lòng tin của dân. Nếu ai trục lợi, biển thủ phải xử lý theo pháp luật. Còn tinh thần thì sai đâu sửa đó và khẩn trương chi trả tiền hỗ trợ của nhà nước cho dân, để đỡ thiệt hại”.
Tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung, vừa trải qua đợt hạn hán lịch sử, hàng trăm nghìn hộ dân trong vùng lâm vào cảnh khó khăn. Chính sách hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất của Chính phủ được đánh giá là kịp thời và thiết thực. Tuy nhiên, ở một số nơi, việc thực hiện chính sách này lại đang có dấu hiệu thiếu trách nhiệm và trục lợi, khiến người dân bức xúc, dẫn tới khiếu kiện đông người. Những vấn đề này cần sớm được kiểm tra làm rõ, tránh thất thoát tiền ngân sách và để chính sách đến đúng đối tượng./.