Phát thanh xử lý các khủng hoảng đặc biệt
Hiện nay, trong bối cảnh tất cả các phương tiện truyền thông như truyền hình, báo điện tử, mạng xã hội đều phát triển mạnh mẽ thì phát thanh vẫn đóng vai trò rất quan trọng.
Nhiều ý kiến cho rằng, phát thanh có vai trò cốt yếu trong việc cung cấp thông tin đa dạng tới người nghe và được công nhận là một loại hình truyền thông tiêu biểu và căn bản nhất.
Trong tương lai, phát thanh sẽ tiếp tục phát triển với những lợi thế cạnh tranh mà các loại hình truyền thông mới không thể có được, đó là “rộng và không giới hạn.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Vũ Quang Hào, giảng viên khoa Báo chí - Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - người đã có nhiều năm nghiên cứu về phát thanh khẳng định: Phát thanh vẫn luôn có vai trò quan trọng và rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay bởi loại hình báo chí này có những đặc trưng riêng và vẫn có những thính giả trông đợi thông tin từ nó.
PGS TS Vũ Quang Hào ( Ảnh: KT) |
PGS.TS Vũ Quang Hào giải thích: Ngoài việc đưa thông tin, phát thanh có ưu thế riêng và có sức mạnh rất lớn khi tham gia vào việc xử lý các khủng hoảng đặc biệt, các tình huống khẩn cấp như thiên tai, tai nạn, cháy nổ, tụ tập đám đông...
“Phát thanh trong xã hội hiện đại đang có cơ hội để phát triển khi thính giả có thể nghe phát thanh mọi lúc mọi nơi, kể cả khi đang di chuyển trên xe hơi, tàu hỏa, tàu biển... Đặc biệt, nhờ có công nghệ phát triển mà giờ đây, ngoài các thiết bị phát thanh truyền thống, thính giả có thể nghe phát thanh qua Internet, điện thoại di động, laptop…Và họ không nhất thiết phải nghe đúng giờ phát mà có thể nghe lại các chương trình họ ưa thích bất cứ lúc nào”, PGS Vũ Quang Hào nhấn mạnh.
PGS Vũ Quang Hào cho rằng, với những điều kiện hỗ trợ của công nghệ như vậy, phát thanh vẫn có nhiều thính giả. Điều quan trọng hiện nay là phát thanh phải làm thế nào để thu hút công chúng.
"Cách thể hiện trong phát thanh dễ đến gần hơn với độc giả. Một điểm thú vị nữa là những câu chuyện vốn dĩ là to tát đều có thể được các tác giả thể hiện dưới cách làm cụ thể thông qua các tình huống, trường hợp, câu chuyện dung dị", PGS Vũ Quang Hào nói.
Tương lai của phát thanh rất tươi sáng
Trong khi đó, ông Ben Williams, Giám đốc Công ty truyền thông Beyond Broadcasting của Anh- một nhà báo nổi tiếng, người dẫn chương trình, nhà sản xuất phát thanh cho rằng: "Muốn thu hút công chúng, phát thanh phải độc, lạ, mới".
Theo ông Williams, tương lai của phát thanh rất tươi sáng và các nhà sản xuất phải thích ứng nhanh với những thay đổi của thính giả. Phát thanh được coi là “cổng thông tin” về tất cả những vấn đề đang xảy ra trên thế giới, là khởi đầu những nội dung được đề cập trên tất cả các loại hình truyền thông khác và cũng là phương thức tiếp cận dễ dàng nhất tới nhiều đối tượng công chúng.
Ông Ben William, Giám đốc Công ty truyền thông Beyond Broadcasting của Anh |
Ông Williams cho biết: “Giá trị của phát thanh chính là có thể giúp thính giả hiểu được điều gì đúng và điều gì quan trọng. Với tư cách là người làm phát thanh, chúng ta phải làm sao để thính giả có cảm nhận rằng họ đang được lắng nghe. Nói cách khác, các chương trình của chúng ta phải thật sự phản ánh được nhu cầu và mối quan tâm của thính giả. Do vậy, chúng ta cần phải xây dựng một chiến lược cụ thể để có thể gắn kết với thính giả bằng nhiều hình thức khác nhau, tất nhiên phải sử dụng cả truyền thông xã hội và phải chắc chắn rằng có đủ nhân lực và nguồn lực để thực hiện”.
Phát thanh phải đổi mới để hấp dẫn công chúng
Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các loại hình báo chí có sự cạnh tranh gay gắt về nhiều mặt, và đó cũng là một thách thức lớn với những người làm báo phát thanh.
So với các loại hình truyền thông mới thì phát thanh có những thế mạnh không thua kém, đó là có thể đưa thông tin tức thì; công chúng có thể cùng làm tin; cùng bình luận về một vấn đề nào đó… Hơn các loại hình báo chí khác, dù đang làm bất cứ việc gì, bất cứ nơi đâu thì công chúng vẫn có thể nghe được phát thanh.
Ở Việt Nam, phát thanh đã và đang là loại hình báo chí rất quan trọng. Khi xuất hiện mạng xã hội và các phương tiện thông tin khác trên Internet, với thông tin đa dạng, đa chiều thì sóng phát thanh của Đài TNVN và đài phát thanh các địa phương luôn là lựa chọn của công chúng vì độ tin cậy và trung thực của thông tin. Muốn vậy thì những người làm phát thanh phải đổi mới để thu hút công chúng.
Phát thanh phải đổi mới như thế nào?
Là người đứng đầu ngành phát thanh của cả nước, đồng thời cũng là nhà khoa học có nhiều năm tham gia nghiên cứu, giảng dạy về báo chí, phát thanh - truyền hình, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam luôn quan tâm và trăn trở để tìm hướng đi cho phát thanh.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. |
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ nêu rõ: Bất cứ loại hình báo chí nào muốn đến với công chúng phải chú ý tới 2 vấn đề là nội dung và hình thức. Khái niệm nội dung ngày nay cũng không đơn thuần là nhanh và đúng, mà còn là sự độc đáo, tạo được cảm xúc và sức hấp dẫn cho người nghe. Người làm phát thanh phải luôn mang tới cho công chúng những thông tin mới lạ, độc đáo.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, để chạm tới trái tim thính giả, người làm phát thanh phải có được những câu chuyện, những chi tiết, những nhân vật điển hình trong cuộc sống đời thường; phải kể sao để người nghe không những hiểu, mà còn được cảm, được vui, được buồn, được động viên, được chia sẻ… Muốn vậy, phát thanh phải luôn hiểu công chúng cần gì, và mình phải đáp ứng như thế nào.
"Về hình thức, phát thanh không chỉ đơn thuần là lời nói, mà còn phải làm sinh động hơn bằng âm nhạc, bằng tiếng động hiện trường"- PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói./.
Tổng Giám đốc VOV: Truyền thông hiện đại - Nội dung là trái tim