Tháng 6/2016, công ty nghiên cứu thị trường Nielson công bố Báo cáo Khán giả Tổng quan (ở Mỹ), cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng về lượng thời gian sử dụng các phương tiện truyền thông. Mỗi ngày mỗi người dành ra trung bình 10 giờ 39 phút trên các phương tiện truyền thông, tăng hơn 10% so với năm trước. Có thể nói rằng, người Mỹ hiện đang dành nhiều thời gian cho phương tiện truyền thông hơn bất cứ điều gì khác, kể cả việc ngủ hay làm việc. Cuộc sống con người ngày càng “truyền thông hóa” với sự hỗ trợ của các ứng dụng, sự kết nối xã hội và giải trí theo nhu cầu.

stacey_schulman_headshot_2_300x299_fmtl.jpg
Tác giả Stacey Lynn Schulman 
Vậy thì phát thanh tồn tại ở đâu trong một xã hội truyền thông hóa như vậy? Bà Stacey Lynn Schulman nhận định: Phát thanh truyền thống vẫn tiếp tục đững vững trong cuộc cạnh tranh bằng cách mở rộng kết nối với người nghe trung thành, bất chấp sự phát triển của những phương tiện thay thế khác như Pandora hay phát thanh vệ tinh không có quảng cáo. Thực tế, phát thanh là phương tiện duy nhất cho thấy sự phát triển qua từng năm trong phân tích của Nielsen (tăng 1% thời gian nghe) và phương tiện duy nhất chiếm một phần bền vững trong thời lượng truyền thông đươc sử dụng (17%), bất kể nhân khẩu học thế nào.

Chắc chắn rằng lượng tiêu thụ thông tin số đang dẫn đầu trong tổng thời lượng truyền thông hàng ngày – bao gồm cả trực tuyến qua website và ứng dụng điện thoại. Nhưng cũng có một điều chắc chắn là sự phát triển của phương tiện kĩ thuật số không phải do tỷ lệ phát thanh AM/FM giảm đi. Thực tế, dù tỷ lệ xem TV có giảm một chút (giảm 1%), nhưng công bằng mà nói, thì sự phát triển của công nghệ số gần như không ảnh hưởng mấy tới các đài phát thanh truyền thống. Người nghe chỉ đơn giản có thể làm nhiều việc cùng lúc hơn, có lợi cho họ hơn, với công nghệ mà có thể cho phép họ cùng lúc tiếp nhận nhiều thông tin. Điều này có ý nghĩa với các nhà quảng cảo – và, tất yếu, cả các nhà sản xuất.

Đến thế kỷ 21 này, chúng ta luôn tán tụng “quyền lựa chọn của người dùng” – họ có thể có được những gì họ muốn, bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Nhưng đây mới thực sự là trở ngại, như Barry Schwartz (tác giả cuốn “Nghịch lý của lựa chọn”- The Paradox of Choice) đã cảnh báo. Đúng, người dùng muốn lựa chọn và có quyền lựa chọn – nhưng đó lại là một con dao hai lưỡi, có cả những điều phản tác dụng. Nó làm cho người dùng phân vân giữa quá nhiều lựa chọn. Chìa khóa của vấn đề ở đây là sự điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của thính giả, định hướng cho thính giả. Ví dụ: các DJ (biên tập nhạc) của phát thanh là những người chỉ dẫn đáng tin cậy, đáp ứng sở thích về âm nhạc của mọi người; đồng thời cũng giúp chuyển tải qua radio những nội dung tổng hợp mang hơi thở của cuộc sống. Khi cả thế giới đánh bóng công nghệ số thật là hào nhoáng, phát thanh là lựa chọn tốt trong vô số lựa chọn.

Nhờ kĩ thuật số, phát thanh sẽ tiếp tục phát triển khi ta hiểu được sâu hơn về thính giả của chúng ta và hành vi của họ theo những “thước đo” mới. Phát thanh AM/FM đã bắt đầu nắm lấy cơ hội, khi nội dung của chương trình có thể được phân phối ở bất cứ nền tảng nào, nội dung rất dài hay ngắn gọn, phát thanh trực tiếp hay podcast. Kỹ thuật số tiếp tục mang lại cơ hội cho phát thanh.

Theo chuyên gia Stacey Lynn Schulman, người làm phát thanh cần dành thời gian để tìm cách đổi mới trải nghiệm của thính giả. Những nhà sản xuất chương trình thành công nhất sẽ tìm được cách để kết hợp những gì tốt nhất của phát thanh truyền thống với sự tiện lợi và cá nhân hóa của môi trường kĩ thuật số. Dữ liệu đa nền tảng đã bắt đầu phát triển và phát thanh cần được đổi mới để đứng vững và lớn mạnh hơn trên bức tranh chung của truyền thông đại chúng.

Câu chuyện ở Mỹ, nhưng nhìn chung cũng có thể đúng ở nhiều nơi khác, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay./.