Ben Williams là giám đốc Công ty truyền thông Beyon Broadcasting của Anh Quốc. Ông là nhà báo nổi tiếng, đã từng là người dẫn chương trình, nhà sản xuất phát thanh.  Ông tham gia đào tạo về phát thanh tại nhiều nước như: Ấn Độ, Thái Lan, Quatar, Nigeria...

ben_william_pqng.jpg
Ông Ben William, chuyên gia của Hiệp hội phát thanh - truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU)

Ngày 21/4 tại Khánh Hòa, trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XII, Ben Williams sẽ có buổi thuyết trình về những yếu tố làm nên một phóng sự phát thanh đặc sắc”.

Phỏng vấn ông Ben William, chuyên gia của Hiệp hội phát thanh - truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU) về những vấn đề đặt ra với phát thanh trong điều kiện môi trường truyền thông có nhiều thay đổi hiện nay.

Theo ông, hiện nay công chúng nghe phát thanh đã thay đổi như thế nào?

** Trước hết, chúng ta cần phải xác định: “Thính giả hiện nay là ai?”. Xin trả lời rằng, hiện nay, do có quá nhiều lựa chọn và quá nhiều cách nghe khác nhau nên không còn khái niệm một đối tượng thính giả “truyền thống” như trước nữa. Thính giả sẽ nghe những gì họ muốn, họ quan tâm vào đúng thời điểm họ cần và thấy phù hợp. Vì thế, ngày nay chúng ta thấy có nhiều thính giả nghe nhiều đài, nhiều kênh khác nhau, nhiều chương trình khác nhau, nhiều phát thanh viên khác nhau. Và chúng ta cũng thấy thính giả bây giờ còn nghe qua podcasts hoặc tải các chương trình về để nghe chứ không chỉ nghe sản phẩm đầu ra bị động như trước.

Rất nhiều người còn chủ động tìm kiếm và tham gia một cách có hiệu quả vào các chương trình để có thể có những trải nghiệm sâu hơn, từ đó xây dựng một kênh kết nối với Đài thông qua nhiều chương trình với nội dung khác nhau… Thông qua các trang web radio, người nghe còn có thể được xem thêm các video và hình ảnh bổ sung cho chương trình phát thanh, và nó đóng vai trò quan trọng không kém âm thanh. Và điều này chính là những yêu cầu mới đối với các nhà sản xuất chương trình phát thanh.

Vậy, để đáp ứng sự thay đổi ấy của công chúng, việc sản xuất phát thanh phải đổi mới như thế nào?

** Điều quan trọng nhất phải nhớ là tương lai của phát thanh rất tươi sáng và các nhà sản xuất phải thích ứng nhanh với những thay đổi của thính giả. Rất ít thính giả chỉ nghe một kênh phát thanh duy nhất, vì thế chúng ta cần liên hệ với các loại hình truyền thông khác nhau để giúp phát thanh có thể bắt nhịp với sự thay đổi đó. Phát thanh được coi là “cổng thông tin” về tất cả những vấn đề đang xảy ra trên thế giới, là khởi đầu những nội dung được đề cập trên tất cả các loại hình truyền thông khác và cũng là phương thức tiếp cận dễ dàng nhất tới nhiều đối tượng công chúng.

Giá trị của phát thanh chính là có thể giúp thính giả hiểu được điều gì đúng và điều gì quan trọng. Với tư cách là người làm phát thanh, chúng ta phải làm sao để thính giả có cảm nhận rằng họ đang được lắng nghe - nói cách khác, các chương trình của chúng ta phải thật sự phản ánh được nhu cầu và mối quan tâm của thính giả. Do vậy, chúng ta cần phải xây dựng một chiến lược cụ thể để có thể gắn kết với thính giả bằng nhiều hình thức khác nhau, tất nhiên phải sử dụng cả truyền thông xã hội và phải chắc chắn rằng có đủ nhân lực và nguồn lực để thực hiện.

Điều duy nhất không thay đổi chính là nhu cầu được cung cấp thông tin đúng và hay - đây vẫn là động lực nghe chính của thính giả khi nghe đài và cũng là nghĩa vụ của những người làm phát thanh.

Và cách viết tin, phóng sự, hay talkshow cũng phải mới hơn, thưa ông?

** Câu trả lời vẫn là thông tin phải phù hợp và những gì chúng ta làm phải là “nói chuyện cùng thính giả” chứ không chỉ là “nói cho thính giả nghe”. Do đó, tôi có thể nói là không có gì thật sự thay đổi ở đây, chỉ có điều là tính cạnh tranh cao hơn. Đó không chỉ là cạnh tranh từ các đài phát thanh và truyền hình khác mà còn từ những trang mạng về âm nhạc, về trò chơi như Spotify... Do đó, chỉ khi chúng ta hiểu và nắm chắc được mọi thứ chúng ta làm đều là vì mục tiêu đáp ứng nhu cầu và mong muốn của thính giả, thì chúng ta mới không để mất họ.

Chúng ta cần liên tục đổi mới và gây ấn tượng với thính giả. Nếu chúng ta chỉ cung cấp cho họ thông tin, nhưng thông tin lại không thực sự thuyết phục và lôi cuốn thì họ sẽ tìm tới một nguồn cung cấp khác. Vì thế, chúng ta cần phải tìm hiểu để có thể có những ý tưởng sáng tạo, những góc nhìn và cách xử lý hấp dẫn.

Cần phải kể cho thính giả những câu chuyện độc đáo, mới lạ. Và may mắn là khả năng của phát thanh là vô hạn để thực hiện điều này. Và rào cản duy nhất chính là việc chúng ta chưa có được những cấu trúc đúng, những cơ chế và văn hóa phù hợp, để cho phép các nhà sản xuất phát huy hết tính sáng tạo và “tính liều” của họ. Nhưng phát thanh thì lại cần phải sáng tạo để có thể duy trì và phát triển.

Để phát thanh hay hơn, ngoài độc, lạ như ông vừa nói, thì hình thức cũng phải thay đổi, ví như việc sử dụng tiếng động?

** Âm thanh là một phần quan trọng của phát thanh. Các bạn phải cố gắng hạn chế sử dụng âm thanh “theo thói quen”, những âm thanh không tăng thêm giá trị cho nội dung. Điều này lại quay lại ý mà tôi đã đề cập về sự sáng tạo. Liệu chúng ta có thể tìm được những âm thanh khác biệt, ấn tượng để thu hút thính giả, những âm thanh có giá trị “biên tập” để giúp chúng ta kể câu chuyện phát thanh hay hơn không? Nếu một âm thanh mà không có “giá trị biên tập” thì thường trái lại, sẽ khiến thính giả mất tập trung.

Tương tự như vậy, những hiệu ứng âm thanh nghe không tự nhiên cũng gây hậu quả tương tự. Điều này xảy ra nếu chúng ta ghi lại âm thanh riêng và thu giọng riêng trong phòng thu. Chúng có thể nghe rất thô sơ với tổng thể câu chuyện. Việc thu âm cần đi liền với tiếng động hiện trường và việc bạn phản ứng với những âm thanh đang diễn ra lúc bạn nói có thể là cách tốt nhất để khiến âm thanh nghe chân thực và tự nhiên.

Xin cảm ơn ông!