Còn nhiều bất hợp lý trong giải phóng mặt bằng.

Dự án Khu dân cư dọc sông Tiền – TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang là dự án chỉnh trang đô thị dọc theo bờ kè sông Tiền thuộc phường 4, phường 6, TP Mỹ Tho do Công ty Cổ phần đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư.

Phía UBND TP Mỹ Tho được UBND tỉnh giao kê biên, áp giá đền bù, hỗ trợ các hộ dân trong vùng dự án.

vov_bo_ke_1_vhqh.jpg
Công ty Cổ phần Đầu tư Tây Bắc đang triển khai xây dựng dự án trên phần đất mà UBND TP Mỹ Tho đã thu hồi.

Để thực hiện dự án, 134 hộ dân, doanh nghiệp có nhà, đất ven sông phải giải tỏa, giao hơn 7,3 ha đất cho nhà đầu tư.

Đến nay, đã có 111 hộ dân chấp nhận giao đất, nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Hiện còn 23 hộ dân, doanh nghiệp chưa đồng ý giao đất làm dự án; trong số này UBND TP Mỹ Tho ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 7 hộ.

Theo các doanh nghiệp và một số hộ dân bị thu hồi đất: công tác kê biên, áp giá đền bù, hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng TP Mỹ Tho còn bất cập, chưa tạo sự đồng thuận của nhiều người dân bị thu hồi đất.

Ông Nguyễn Hữu Tài, ở phường 6, TP Mỹ Tho cho biết, gia đình ông có hơn 180m2 đất đang làm nhà ở và kinh doanh bị thu hồi.

Dù diện tích đất này chưa có chủ quyền nhưng đã ở ổn định nhiều năm qua, không có tranh chấp nhưng chỉ được hỗ trợ với mức giá 150.000 đồng/m2 là bất hợp lý.

Ông Nguyễn Hữu Tài bức xúc vì căn nhà đã ở nhiều năm sẽ bị thu hồi không được bồi thường.

“Nhà nước thu hồi đất để chỉnh trang đô thị, tôi rất hoan nghênh nhưng thành phố phải làm rõ ràng từ giai đoạn đầu. Dự án đến nay thu hồi đất của chúng tôi nhưng không làm việc công ích. Chúng tôi cần được thỏa thuận giá bồi thường vì đây là hình thức kinh doanh rồi”- ông Tài cho biết.

Trường hợp của gia đình bà Lê Thị Phương Nga, phường 6, TP Mỹ Tho cũng vậy.

Bà Nga không chịu giao đất cho dự án vì theo bà, đất của gia đình bà là mặt tiền đường bờ kè ven sông nhưng TP Mỹ Tho chỉ áp giá bồi thường 2.4 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất thị trường lên đến hơn 20 triệu đồng/m2.

Bà Nga đã gửi đơn khiếu nại Quyết định của UBND TP Mỹ Tho về việc cưỡng chế, thu hồi đất đến UBND tỉnh Tiền Giang vào ngày 30/10/2017.

Đến ngày 28/11/2017, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ký văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Mỹ Tho phải giải quyết khiếu nại này nhưng đến nay, UBND TP Mỹ Tho vẫn chưa giải quyết.

Trong khi đó, vào ngày 4/4/2018, TP Mỹ Tho tổ chức lực lượng cưỡng chế diện tích đất này giao cho nhà đầu tư.

Doanh nghiệp nước mắm Phước Hương ở P 6. TP Mỹ Tho phải ngưng hoạt động khi giao đất cho nhà đầu tư.

Trường hợp doanh nghiệp tư nhân Phước Hương (chuyên sản xuất nước mắm) ở khu phố 2, phường 6, TP Mỹ Tho chưa chấp hành quyết định thu hồi đất vì mong chính quyền giải tỏa hết 100% diện tích đất để đi nơi khác làm ăn.

Theo ông Nguyễn Công Hầu (chủ doanh nghiệp Phước Hương), gia đình ông đã sinh sống và kinh doanh tại đây trên 50 năm, đến nay dự án thu hồi gần 760m2 đất mặt tiền sông Tiền khiến lô đất còn lại (hơn 4000m2) bị bế tắc lối đi, ảnh hưởng đến việc kinh doanh, vận chuyển hàng hóa.

Qua nhiều lần đối thoại với các cấp chính quyền, đích thân chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cũng đã chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Mỹ Tho xem xét, giải quyết nhưng đến nay phía Thành phố vẫn chưa có hướng giải quyết.

Dân sẽ bàn giao đất ngay nếu làm đúng luật.

Qua tìm hiểu của của phóng viên, đa số hộ dân trong vùng dự án đồng tình với chủ trương xây dựng Khu dân cư dọc sông Tiền là để phát triển TP Mỹ Tho xứng tầm đô thị loại 1.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức, cá nhân chưa chịu giao mặt bằng cho nhà đầu tư vì công tác kê biên, áp giá, bồi thường hỗ trợ của các ngành chức năng TP Mỹ Tho chưa hợp lý.

Trong khi nhiều hộ dân bức xúc vì dự án thực hiện sai mục đích ban đầu thì 
việc khách sạn Rạng Đông dù nằm trong vùng dự án vẫn không bị thu hồi đất càng gây bức xúc đối với các hộ dân bị giải tỏa.

Trong đó, 2 vấn đề có liên quan đến quyền lợi nhiều hộ dân bị thu hồi đất là: xác định sai vị trí chính xác để đền bù, hỗ trợ và mức giá đền bù, hỗ trợ đối với diện tích đất mà người dân đã sử dụng, xây nhà ở ổn định nhiều năm mà chưa xác lập chủ quyền.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Diệu, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Mỹ Tho (đơn vị được UBND TP Mỹ Tho giao nhiệm vụ thu hồi đất) cho biết: dù các phần nhà, đất của các doanh nghiệp, hộ dân hiện nằm mặt tiền đường bờ kè ven sông Tiền nhưng thành phố đền bù, hỗ trợ cho người dân với mức giá không phải mặt tiền, thậm chí chỉ là đất nông nghiệp trong hẻm là vì dự án này triển khai thu hồi đất từ năm 2015; trong thời điểm này thì bờ kè và đường ven bờ kè sông Tiền chưa nghiệm thu nên phải tính mức giá không phải mặt tiền (!).

Nhiều hộ dân bị thu hồi đất cho rằng, dự án này không thuộc danh mục dự án phục vụ chiến lược quốc gia, không phải dự án an ninh-quốc phòng. Dự án chỉ mang tính chất kinh tế.  

 Nhà đầu tư sau khi nhận đất sẽ xây dựng nhà (dạng xây thô) sau đó bán trở lại cho dân với giá cao. Do đó, theo Điều 26 khoản 3 của Luật đất đai sửa đổi năm 2013: “mức giá bồi thường khi thu hồi đất phải có sự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người bị thu hồi đất, Nhà nước không thu hồi đất thay doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tư, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư Tây Bắc cho biết, phía công ty chỉ nhận “đất sạch”. Công tác giải tỏa, đền bù là việc của UBND và các ngành chức năng TP Mỹ Tho.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Đảm, Phó Chủ tịch UBND TP Mỹ Tho phân trần, phía Thành phố đã làm hết sức mình; tích cực công tác tuyên truyền, vận động nhưng một số hộ dân chưa chấp hành.

Việc thu hồi đất để thực hiện dự án là đúng chủ trương, đúng các quy định của pháp luật. Các trường hợp cố tình không bàn giao mặt bằng sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất.

Chưa đồng tình với việc UBND TP Mỹ Tho tổ chức cưỡng chế thu hồi đất để giao cho công ty Tây Bắc, nhiều hộ dân đã gửi đơn ra Hà Nội kiến nghị làm rõ tính hợp pháp của dự án Khu dân cư dọc sông Tiền, kiểm tra quy trình, phương pháp kê biên, áp giá, đền bù hỗ trợ?.

Đại diện các hộ dân nêu quan điểm “nếu dự án thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đúng pháp luật, chúng tôi sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư”./.