Đây được xem là nút thắt còn lại trên tuyến Quốc lộ 1A được Thủ tướng Chính phủ đồng ý mở rộng để đảm bảo lưu thông toàn tuyến. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhà thầu cũng đã huy động nhân lực, máy móc đến công trường để đảm bảo thi công. Tuy vậy, tiến độ thực hiện chậm do vướng giải phóng mặt bằng.

quoc_lo_1a_uddz.jpg
(Ảnh minh họa)

Dự án mở rộng Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có diện tích đất thu hồi bổ sung gần 18 héc ta, với tổng số gần 1.500 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, có khoảng 300 hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp, số còn lại liên quan đến đất ở và nhà ở. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 6 này, địa phương sẽ bàn giao hơn 13 km cho nhà đầu tư, 2 tháng sau bàn giao toàn bộ mặt bằng để nhà thầu thi công. Tuy vậy, đến nay địa phương mới phê duyệt phương án và chi trả tiền đền bù cho hơn 650 hộ dân. Nguyên nhân do việc xác nhận nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường thiệt hại chưa được sự đồng thuận của một số hộ dân.
Ông Ưng Văn Thành ở thôn Thế Lợi, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, đất ở của vợ chồng do ông bà để lại, đã được cấp sổ đỏ, nhưng khi áp giá đền bù thì chính quyền chỉ bồi thường 50% diện tích thu hồi.
Ông Ưng Văn Thành nói: “Người dân cũng ủng hộ mở đường cho rộng chứ chật quá, tai nạn nguy hiểm. Nhưng giá đền bù cho người dân ở mặt tiền Quốc lộ 1A thấp quá. Yêu cầu huyện, tỉnh nghiên cứu nâng giá đền bù để người dân thỏa mãn, làm công trình cho nhanh”.
Thực tế qua kiểm kê, áp giá đền bù cho thấy, phần lớn diện tích đất ở mà nhiều người cho rằng chỉ đền bù 50%, thực chất là đất thuộc hành lang an toàn đường bộ bị người dân lấn chiếm trái phép. Việc xác định nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất, thẩm định phương án bồi thường gặp nhiều khó khăn. Ông Hà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hơn 80% số hộ bị ảnh hưởng thuộc huyện Bình Sơn. Hiện nay, trên địa bàn huyện cùng lúc triển khai nhiều dự án trọng điểm của tỉnh nên nhân sự của các xã không đảm bảo yêu cầu thực hiện giải phóng mặt bằng cho Dự án mở rộng Quốc lộ 1A.
“Chỉ đạo cho các địa phương, trong đó đặc biệt là huyện Bình Sơn phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A. Bởi vì đây là tuyến huyết mạch, nếu chúng ta chậm ngày nào thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như đời sống của người dân ở 2 bên tuyến. Nếu chậm, chúng ta phải đảm bảo giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn lao động và các vấn đề khác, ảnh hưởng nhiều thứ lắm... trước làm, sau cũng phải làm vì vậy cần phải quyết liệt”, ông Hà Hoàng Việt Phương cho biết thêm.
Nguyên nhân chậm tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng Quốc lộ 1A qua địa bàn 2 huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cũng một phần do Bộ Giao thông Vận tải chậm bố trí kế hoạch vốn. Đến giữa tháng 5 vừa qua, Bộ này mới có thông báo kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ đối với Dự án mở rộng Quốc lộ 1A. Do đó, địa phương chưa thể phê duyệt phương án bồi thường cũng như chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, để đảm bảo tiến độ đề ra, địa phương vừa thực hiện giải phóng mặt bằng vừa triển khai thi công, chậm nhất là đến quý 1 năm 2018 sẽ hoàn thành công trình.
Ông Đặng Văn Minh nói: “Muốn đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng 18 cây số này thì phải đẩy nhanh xây dựng các khu tái định cư. Khi có phương án phân lô và phê duyệt tái định cư cho hộ dân, người ta mới bắt đầu nhận đất, làm nhà... mới chuyển đi được. Cái này chúng ta làm chậm, nhưng chậm cũng có nguyên nhân là khi Dự án triển khai thì chưa có tiền. Chưa có tiền thì chưa xây dựng được khu tái định cư. Khi có tiền, mốc thời gian giải phóng mặt bằng chậm. Dự kiến tỉnh Quảng Ngãi chúng tôi điều chỉnh giải phóng mặt bằng đến 30 tháng 9/2017”.
Như vậy, thời gian hoàn thành giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục lùi đến sát mùa mưa. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay, đó là mùa nắng thì lo giải phóng mặt bằng đến mùa mưa mới thi công./.