Mặc dù ngành y tế tích cực khuyến cáo, hướng dẫn phòng bệnh và triển khai hàng trăm chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi, nhưng dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn đang tăng nhanh. Vì sao tại nhiều ổ dịch đã được phun hóa chất diệt muỗi nhưng vẫn xuất hiện nhiều ca mắc sốt xuất huyết?

Xã Tân Triều, huyện Thanh Trì là một trong những ổ dịch sốt xuất huyết lớn ở Hà Nội. Trong số gần 1.000 bệnh nhân sốt xuất huyết trong xã này, có rất nhiều người từ nơi khác đến thuê trọ, điều kiện ăn ở không đảm bảo phòng bệnh, như bể chứa nước sinh hoạt không được đậy kín, là nơi muỗi bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, nảy nở.

sot_xuat_huyet_1_kgcg.jpg
Nhiều bệnh viện quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết

Anh Cao Đình Mạnh thuê cửa hàng tại thôn Triều Khúc, xã Tân Triều là một trong những bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hơn 10 ngày nằm viện, anh đã phải chi phí hơn 10 triệu đồng. Buồn vì bệnh tật gây tổn hại cho sức khỏe, ảnh hưởng đến thu nhập và tốn tiền viện phí, anh Mạnh còn bức xúc vì nơi mình đang ở trọ không được lực lượng chức năng đến phun thuốc diệt muỗi.  

“Tôi là người thứ 2 trong khu trọ bị mắc sốt xuất huyết. Ở đó nhiều muỗi lắm, nhà ai cũng nhiều muỗi. Đây là ổ dịch mà chẳng thấy ai đến phun thuốc diệt muỗi” – anh Mạnh nói.

Trong khi đó, Sở Y tế Hà Nội lại khẳng định, nhiều lần tổ chức các đội y tế phòng dịch đi phun thuốc diệt muỗi tại những ổ dịch và nơi có nguy cơ cao nhưng gặp phải sự bất hợp tác của khoảng 30% số hộ gia đình.

Trao đổi với phóng viên VOV về việc có người dân phản ánh ổ dịch nơi họ sinh sống không được phun hóa chất diệt muỗi vì không đóng tiền, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội khẳng định, việc phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết do các đơn vị y tế dự phòng thực hiện đều được nhà nước bao cấp, không thu tiền của người dân. Sở Y tế Hà Nội đang kiểm tra xem có hay không việc các đội phun hóa chất của Trung tâm Y tế dự phòng các quận, huyện thu tiền không đúng quy định.

Ông Nguyễn Nhật Cảm cũng cho hay: “Trên địa bàn thành phố từng xảy ra tình trạng một số đối tượng giả mạo là đội phun hóa chất phòng dịch của cơ quan y tế để thu tiền bất chính, người dân cần nâng cao cảnh giác. Nếu mà có tình trạng thu tiền phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết thì người dân cần phản ánh, nếu nhân viên y tế thu tiền thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm. Chúng tôi đã quy định đội phun hóa chất phòng dịch bao giờ cũng có 3 người, công nhân phun, cán bộ kỹ thuật và cán bộ địa phương như tổ trưởng, tổ phó dân phố. Nếu không có cán bộ tổ dân phố đưa đi thì người dân không nên hợp tác vì hiện nay cũng có trường hợp mạo danh”.

Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết

Một thực tế khác đang ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết hiện nay là nhiều địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh này chưa đúng. Trong khi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ sinh sản trong nguồn nước sạch như nước mưa, nước sinh hoạt thì nhiều nơi lại kêu gọi người dân phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh để phòng chống sốt xuất huyết.

Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, qua kiểm tra tại những địa phương bùng phát mạnh dịch bệnh sốt xuất huyết đều phát hiện tình trạng bể chứa nước sinh hoạt không được đậy kín, bình cắm hoa, chậu trồng cây thủy sinh không được thay nước thường xuyên hoặc trong vườn có nhiều dụng cụ như chum, vại, gáo dừa, bát, chậu bị đọng nước mưa nên muỗi đẻ trứng vào đó, nở ra bọ gậy, rồi phát triển thành muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.

“Cũng có người vẫn hiểu lầm nên chúng tôi đang khắc phục bằng cách phát thông điệp đến tận tay người dân và kiểm tra nhận thức của người dân bằng những bảng kiểm trắc nghiệm. Việc phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quét đường là để phòng các bệnh khác chứ không phải phòng bệnh sốt xuất huyết” -Tiến sỹ Trần Đắc Phu khẳng định.

Ông Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh, đến nay chưa ghi nhận tình trạng muỗi kháng với những loại hóa chất mà các đơn vị y tế dự phòng đi phun tại cộng đồng. Tuy nhiên, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có thể bay đi khắp nơi, đốt người rồi truyền virus gây bệnh.

Như vậy, nếu những bất cập, tồn tại trong công tác phòng chống sốt xuất huyết không sớm được giải quyết triệt để thì dịch bệnh này sẽ càng diễn biến phức tạp, nhất là khi thời điểm đỉnh dịch của năm nay đang đến. Sốt xuất huyết không phải là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và hoàn toàn có thể phòng tránh bằng những biện pháp đơn giản là diệt muỗi, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Vậy mà từ đầu năm đến nay, hàng chục nghìn người đã mắc bệnh, gây tốn kém hàng trăm tỷ đồng và gần 30 trường hợp đã tử vong. Đây là điều mà hệ thống dự phòng của ngành Y tế phải day dứt./.