Ca bệnh hiếm gặp

Bệnh nhân Nguyễn Đình T, 23 tuổi, sinh viên trường Đại học Xây dựng nhập bệnh viện Saint Paul ngày 2/9 vì sốt. Chẩn đoán ban đầu là sốt xuất huyết, được bác sĩ cho về điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, ngày 3/9, gia đình lại đưa T vào nhập bệnh viện Đống Đa vì còn sốt và đau đầu. Sau 2 ngày truyền dịch, uống thuốc, T có giảm nhiệt độ nhưng vẫn mệt, không chịu ăn uống.

Quá lo lắng cho con, người mẹ lại xin cho con ra viện và tự chuyển sang Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai hồi 12h ngày 5/9. Đến 20h cùng ngày, bệnh nhân T lên cơn co giật, mất ý thức nên được bác sĩ chỉ định chọc dịch não tuỷ. Kết quả, bệnh nhân bị viêm não - màng não do sốt xuất huyết Dengue.

benh_nhan_eniy.jpg
TS BS Đỗ Duy Cường, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai đang thăm khám cho bệnh nhân

TS. BS. Đỗ Duy Cường, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Số ca bệnh mắc sốt xuất huyết phải nhập viện gần đây có gia tăng ở Hà Nội, tuy nhiên biến chứng gây viêm não - màng não như bệnh nhân Nguyễn Đình T là ca bệnh rất hiếm gặp. Bệnh nhân vào khoa trong tình trạng nặng, co giật, rối loạn ý thức và phải thở oxy, nguy cơ đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày điều trị tại đây, bệnh nhân đã hồi tỉnh.

Bà Nguyễn Thị T tâm sự: Trắng hai đêm thức chăm con mà tôi không thấy mệt, không buồn ngủ. Tâm tư vô cùng lo lắng, mong chờ sự kỳ diệu xảy ra, mong con tỉnh lại. Đến sáng 7/9, thấy cháu tỉnh, đòi ngồi dậy, đòi đi vệ sinh, hỏi con vài câu, thấy trả lời bình thường tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Thực sự tôi vô cùng biết ơn các bác sĩ đã cứu con tôi.

Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh

TS. Đỗ Duy Cường cho biết: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra, hay gặp ở các nước vùng nhiệt đới. 

Ở Việt Nam bệnh thường gặp ở các tỉnh phía Nam, xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa, khí hậu nóng ẩm. Đối tượng nhiễm bệnh chủ yếu ở lứa tuổi thanh thiếu niên sống ở các khu vực thành thị, nơi tập trung đông dân cư, điều kiện vệ sinh môi trường kém, thuận lợi cho muỗi phát triển. Loại muỗi vằn chủ yếu truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti. 

Triệu chứng của bệnh thường là sốt cao đột ngột kéo dài 5-7 ngày, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, trường hợp nặng có thể có xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. 

Trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng, sốc giảm thể tích do hiện tượng thoát huyết tương và cô đặc máu có thể dẫn tới tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ (thường dưới 100.000/mm3 ), bạch cầu hạ, hematocrite tăng (hiện tượng cô đặc máu).

Sốt xuất huyết Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Điều trị chủ yếu là truyền dịch, bồi phụ nước và điện giải, dùng thuốc hạ sốt và theo dõi dấu hiệu xuất huyết bằng kiểm tra công thức máu hàng này. 

Vì vậy, TS Đỗ Duy Cường khuyên người bệnh khi thấy các triệu chứng sau  người bệnh cần đến bệnh viện khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời: Sốt cao đột ngột liên tục 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt; Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; Có thể phát ban, nổi hạch.

Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng), nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết.

Đau bụng vùng gan, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp).

 

Phòng bệnh sốt xuất huyết

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng) và phòng chống muỗi đốt. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng) bằng cách: Thả cá hoặc mê-zô vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại, lu, khạp...) để diệt bọ gậy (lăng quăng). Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

  • Thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp hàng tuần. Bỏ muối vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), cho cát ẩm vào lọ hoa (bình bông). Khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi vào không gian.
Cách phòng chống muỗi đốt
Mặc quần áo dài tay; Ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày; Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...; Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt./.