Các tỉnh Đông Nam bộ đang phải đối mặt với sự bùng phát mạnh của dịch sốt xuất huyết. Tuy còn vài tháng nữa mới kết thúc mùa mưa, dự báo dịch sốt xuất huyết sẽ còn gia tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới, nhưng đến nay đã có hàng chục người tử vong vì căn bệnh này.
Những ngày cuối tháng 9, dịch sốt xuất huyết trên cả nước nói chung và ở vùng Đông Nam Bộ “nóng” hơn bao giờ hết, khi số ca mắc bệnh ngày càng tăng. Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu miền Nam về số ca mắc sốt xuất huyết với hơn 9.300 ca, Đồng Nai xếp thứ 2 với 5.000 ca, thứ 3 là Bình Dương với 3.000 ca.
|
Nhưng nếu tính tỷ lệ mắc trên 100.000 dân thì Đồng Nai là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước. Trong đó, vùng nóng nhất của tỉnh về sốt xuất huyết lại chính là trung tâm hành chính của tỉnh – thành phố Biên Hòa.
Tính đến tháng 9 năm nay, Biên Hòa có khoảng 2.000 trường hợp sốt xuất huyết, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Những trường hợp một nhà có nhiều người cùng bị sốt xuất huyết không phải là hiếm.
Anh Trần Văn Sinh, một người dân ở khu phố 4, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa cho biết: “Ban ngày ít muỗi, nhưng tầm chiều muỗi ra nhiều. Muỗi cắn bọn trẻ trông thấy thương. Ở trong nhà xịt thuốc hoài nên không có, nhưng từ bên ngoài như những khu đất trống, bãi cỏ, suối… muỗi bay vào rất nhiều”.
Tại hầu hết các tỉnh Đông Nam Bộ, số ca sốt xuất huyết đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi tuần, ở thành phố Hồ Chí Minh hay Đồng Nai có trên 500 trường hợp phải nhập viện. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng là số ca tử vong do mắc sốt xuất huyết đã tăng lên khá nhanh trong mùa dịch năm nay.
Cụ thể, tính đến sáng ngày 25/9, Đồng Nai có 4 ca tử vong, tỉnh Bình Dương có 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tất cả đều trong tháng 8 và tháng 9 này. Như vậy, Bình Dương là địa phương có số ca tử vong do sốt xuất huyết cao nhất toàn miền Nam.
Bác sĩ Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết: “Sốt xuất huyết có chu kỳ 3 đến 5 năm. Năm ngoái, đã xuống tận mức đáy, năm nay lại bùng lên. Và chu kỳ này được tác động bởi lối sống của những người dân ở vùng thôn quê đến đây. Nhiều khi ban ngày đi làm, ban đêm về ngủ, không có quan tâm đến môi trường”.
Trong khi dịch đang bùng phát mạnh mẽ trên diện rộng và tăng theo thời gian thì công tác chống dịch dù được thúc đẩy mạnh mẽ nhưng chưa phát huy hiệu quả. Sau mỗi lần ra quân huy động hàng ngàn người dân từ học sinh, sinh viên cho đến quân đội, công an vào cuộc tìm diệt loăng quăng hay phun xịt hóa chất thì chỉ cần 5 đến 7 tuần sau, mật độ muỗi sẽ sinh sôi như cũ.
Chưa kể nếu việc phun xịt hóa chất gặp mưa thì coi như không có tác dụng. Vì thế, đây cũng chỉ như xử lý được phần ngọn của dập dịch. Vấn đề cốt lõi là ý thức người dân trong chủ động diệt loăng quăng và phòng tránh muỗi đốt vẫn được xem là bức tường quá khó cho công tác phòng chống dịch.
Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đồng Nai cho biết: “Vấn đề diệt loăng quăng trong từng hộ gia đình hoặc ở các khu đất trống còn gặp nhiều khó khăn. Khi chúng tôi tổ chức phun hóa chất diện rộng thì 10% hộ gia đình đi vắng, 15% ở nhà nhưng không mở cửa cho chúng tôi vào. Vì thế vấn đề phun hóa chất cũng không được triệt để”.
Tại tỉnh Đồng Nai, các thành viên trong đội đặc nhiệm phòng chống dịch và cộng tác viên hoạt động tất bật từ hơn tháng nay nhưng đều lắc đầu ngán ngẩm vì càng chống, dịch càng tăng. Việc tìm gặp để tuyên truyền đến từng nhà gặp vô số khó khăn vì đa số là công nhân nên đi làm từ rất sớm và về nhà rất muộn.
Do phải đi làm thường xuyên nên họ cũng không có thời gian để dọn dẹp nhà ở, vệ sinh xung quanh nhà để diệt loăng quăng. Số lượng người dân nhập cư ở nơi đây càng ngày càng tăng cao khiến cho lực lượng chống dịch không thể tiếp cận hết. Và ngay cả khi tiếp cận rồi, tuyên truyền rồi thì sau đó loăng quăng vẫn phát triển, môi trường vẫn tồn tại những vật chứa giúp loăng quăng phát triển.
Chị Vũ Thị Thanh, y tế thôn ấp, khu phố 4, thành phố Biên Hòa cho biết: “Mình đi đến đâu là hướng dẫn người ta dọn dẹp đến đấy. Nhưng lần sau đến thì vẫn thấy bừa bãi, những vật dụng chứa nước không sử dụng đến, có loăng quăng. Tức là khâu tuyên truyền đã đến cùng rồi nhưng ý thức người dân vẫn không cao nên người ta không dọn dẹp. Phải trực tiếp dọn dẹp với người ta luôn chứ không bao giờ có chuyện mình về rồi người ta mới làm”.
Thậm chí, ở một số nơi tại thành phố Hồ Chí Minh, người dân còn không chịu hợp tác với ngành chức năng như không chịu mở cửa để được phun hóa chất diệt muỗi. Nhiều lí do được đưa ra như sợ hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe, nhà có em bé, nhà không có muỗi thì sao phải xịt… Những điều này đã góp phần khiến cho việc dập dịch sốt xuất huyết năm trở nên khó khăn hơn.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nên cương quyết xử phạt đối với những cá nhân, tập thể không tham gia phòng chống dịch: “Đối với những tổ chức có tư cách pháp nhân thì chúng ta phải phạt theo luật. Kèm theo đó là có văn bản nhắc nhở đối với cơ quan cấp trên quản lý của họ. Còn đối với hộ gia đình thì lần 1 có thể nhắc nhở, lần 2 phê bình trong tổ dân phố, lần 3 là phải phạt theo luật”.
Theo các chuyên gia dịch tễ học, dịch sốt xuất huyết đã có xu hướng chuyển dịch từ vùng Tây Nam Bộ sang Đông Nam Bộ. Kể từ sau 2007 thì tỷ lệ bệnh sốt xuất huyết tại vùng Đông Nam Bộ tăng mạnh, chiếm từ 40% đến 66% số ca mắc của toàn miền Nam.
Với những cảnh báo từ các chuyên gia dịch tễ học, các tỉnh Đông Nam Bộ chắc chắn sẽ còn phải đối mặt với dịch sốt xuất huyết tiếp tục lan rộng không chỉ trong những tháng mùa mưa tiếp theo mà còn trong cả nhiều năm tới. Và việc phòng chống dịch, phải được thực hiện hiệu quả hơn. Trước mắt, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền để giúp người dân ý thức tốt hơn việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng./.