Là một trong số hàng nghìn lao động vừa trở về từ Libya, anh Nguyễn Văn Tiến, quê xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đang mong ngóng những thông tin về việc làm mới từ các doanh nghiệp XKLĐ. “Bây giờ về chưa có việc làm thì ở nhà giúp đỡ cha mẹ, đồng thời chờ xem công ty gọi đi nước nào thì sẽ đăng ký đi làm lại” - anh Tiến nói.

Hiện một số tập đoàn lớn và doanh nghiệp trong nước đã lên kế hoạch tiếp nhận lao động. Ông Nguyễn Vạn Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Thắng - đơn vị có  hơn 1.000 lao động đi Libya, cho biết, hiện Công ty đang sắp xếp các hợp đồng XKLĐ để chủ động hỗ trợ lao động nếu có nhu cầu. Hầu hết các chi phí trước khi đi sẽ được miễn giảm hoặc cho nợ.

Còn ông Nguyễn Văn Hiệp, Quyền Giám đốc Công ty Cổ phần nhân lực và thương mại VINACONEX MEC, cho biết: “Đối với những lao động về nước, chúng tôi sẽ xem xét và nhận một số lao động đáp ứng được tay nghề và có nguyện vọng thì có thể làm việc tại một số Công ty xây dựng trong Tổng Công ty. Đồng thời, chúng tôi sẽ có chính sách hỗ trợ đối với những người lao động có nguyện vọng tiếp tục đi XKLĐ ở các thị trường khác...”.

Công ty CP Công nghiệp và Xây dựng Toàn Phát nhận 150 thợ hàn và 150 lao động xây dựng với mức lương mỗi người 200 - 250USD/tháng. Ngoài ra, còn nhiều vị trí kỹ sư trắc địa, chỉ huy trưởng công trình, đội trưởng... với mức lương 300 - 750USD/tháng.

Như vậy, các doanh nghiệp đang có hai hướng hỗ trợ lao động từ Libya về. Một là XKLĐ sang các nước khác; hai là giải quyết việc làm ngay trong nước. Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo các doanh nghiệp XKLĐ phải có trách nhiệm thanh lý hợp đồng cho người lao động trong thời gian ngắn nhất (2 tuần). Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất một chương trình hỗ trợ cho các lao động về theo từng đối tượng đã đi làm việc dưới 6 tháng, 1 năm hay trên 1 năm...

Về việc giải quyết quyền lợi cho người lao động, theo nguyên tắc nếu làm việc chưa đủ 1/2 thời gian hợp đồng được hoàn trả 50% tiền môi  giới, làm việc trên 1/2 thời gian hợp đồng không được hoàn trả. Riêng phí dịch vụ, nếu nộp trước đủ một lần (mỗi năm một tháng lương), doanh nghiệp phải hoàn trả một khoản tương ứng với số tháng người lao động không còn làm việc theo hợp đồng. Ngoài ra, trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người lao động về nước với nhiều lý do khách quan khác nhau sẽ được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng đối với mỗi trường hợp. Trong trường hợp người lao động Việt Nam ở Libya mới về nước được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm, vay từ Ngân hàng chính sách xã hội để học nghề trong 12 tháng kể từ ngày về nước, lãi suất vay 0%.

Có khoảng 90% lao động Việt Nam làm việc tại Libya thuộc ngành xây dựng nên trước mắt Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương rà soát các thị trường cần lao động xây dựng để có thể chuyển tiếp ngay số lao động vừa từ Libya trở về, việc này sẽ giảm tối đa chi phí đào tạo nghề. Bên cạnh đó, người lao động được khoanh nợ ngân hàng khoản vay để đi Libya, đồng thời Bộ cũng phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện cho người lao động được vay thêm (nếu cần) khi chuyển sang thị trường lao động mới. Đặc biệt, trong năm nay, việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài sẽ ưu tiên cho lao động vừa từ Libya trở về. Như vậy, dù khó khăn song cũng đã có nhiều cơ hội việc làm mới dành cho người lao động./.