Sau khi Dự án mở đường Trần Phú- Kim Mã hoàn thành chưa được ít lâu, gia đình Giáo sư Hà Văn Cầu ở số 10 phố Thanh Báo, phường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội có đơn kêu cứu khắp nơi về việc cán bộ phường Kim Mã thiếu trách nhiệm, làm sai lệch hồ sơ, dẫn đến việc UBND quận ra quyết định chưa chính xác, gây thiệt hại cho gia đình.

ngoi_nha_jkfl.jpg
 Nhà số 10 , phố Thanh Báo bị chiếm dụng tầng 2.

Chúng tôi đến số 10 phố Thanh Báo tìm gặp Giáo sư Hà Văn Cầu. Nhìn người nghệ sỹ ngót 90 tuổi đang phải ngồi trên xe lăn do tuổi cao sức yếu, thều thào kể câu chuyện chúng tôi rất ái ngại. Câu chuyện của ông phải qua người con trai là Hà Hoàng Châu  nói lại chúng tôi mới nghe rõ được.

Theo như Giáo sư Hà Văn Cầu thì từ năm 1957 ông được Nhà nước cho thuê căn nhà một tầng, mái bằng có tổng diện tích gần 40 m2, ở số 12, phố 356, phường Kim Mã, nay đổi thành số 10 phố Thanh Báo. Ngày 28/3/2008 UBND quận Ba Đình cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở theo Nghị định 61 cho ông ghi rõ: Kết cấu nhà xây gạch, mái bằng, Diện tích sử dụng 31,9m2, số tầng 01.

Khi Dự án mở đường Kim Mã- Trần Phú chuẩn bị triển khai, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố có Tờ trình số 327 lên UBND thành phố về chính sách bồi thường dự án Kim Mã- Trần Phú nêu rõ: Về chính sách phân bổ, bồi thường, hỗ trợ về đất đối với các hộ dân đang sinh sống tại nhà tập thể 2- 3 tầng, chủ tầng 1 được hỗ trợ 70%, chủ sử dụng tầng 2 hỗ trợ 30% giá bồi  thường về đất.

Cũng từ khi Dự án đường Trần Phú- Kim Mã được triển khai, không hiểu lý do gì gia đình ông Lại Viết Thìn là hàng xóm lại dựng khung làm nhà trái phép trên phần nóc nhà ông Cầu. Ông Hà Hoàng Châu, con trai ông Hà Văn Cầu bức xúc cho biết: “Tầng 2 xây dựng trái phép UBND phường đã xuống lập biên bản từ 1/2015, đến nay không hiểu lý do gì mà chính quyền địa phương vẫn để tồn tại và tồn tại rất ngang nhiên. Kể cả việc đồng ý thống nhất để người ta làm cầu thang tạm trên mảnh đất của người khác để làm cầu thang. Đây là vi phạm nghiêm trọng gây mâu thuẫn nội bộ nhân dân với nhau”.

Việc xây dựng trái phép, gây mâu thuẫn nội bộ chỉ là một phần của câu chuyện. Điều đáng nói hơn là nếu trên nóc nhà ông Cầu có hộ khác sử dụng thì theo Tờ trình số 327 ông Cầu chỉ được nhận 70% tiền đền bù.

Một điều khá khó hiểu nữa trong giấy xác nhận về loại đất, nguồn gốc tài sản phục vụ công tác giải phóng mặt bằng của UBND phường Kim Mã do ông Đặng Thành Công, Phó chủ tịch UBND phường Kim Mã ký ngày 16/11/2008 lại ghi diện tích nhà ông Hà Văn Cầu là 31,9m2 tầng 1, tầng 2 của ông Lại Viết Thìn. Giấy xác nhận do ông Đặng Thành Công ký phục vụ cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng không hề có dấu và bị photocopy tẩy xóa. 

Giáo sư Hà Văn Cầu

Lý giải về việc này ông Đặng Thành Công cho hay: “Cái xác nhận nguồn gốc, thời gian sử dụng đất của tôi gửi xuống thì tổ công tác, bản thân tổ công tác rất đông. Tôi giao là phải photo giao tất cả các hộ dân, tổng thể là 183 hộ, chứ không riêng nhà ông Cầu. Khi hồ sơ photo xuống thì anh em nó sơ xuất, tức là nó lấy văn bản hồ sơ trong hồ sơ lưu ra photo, dấu không đóng, cái mặt sau tờ giấy nó nhăn, nó bị gấp, cái thông tin trên đấy không rõ. 

Bác ấy nói là giả mạo hồ sơ thì tôi đã chỉ đạo ngay tổ công tác phải cung cấp lại cho người ta cái hồ sơ đó. Tổ công tác làm do sơ xuất thôi, chứ không phải là chủ quan của UBND phường, hay chủ đầu tư tức là làm giả mạo hồ sơ, tức là không có chuyện đó”.

Liệu có phải ngay từ ban đầu do vô tình thiếu sót, nhầm lẫn từ cấp phường khi xác nhận nhà ông Hà Văn Cầu là nhà 2 tầng, nên đến nay gia đình ông Hà Văn Cầu chỉ được 70% giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng. Không đồng tình với quyết định của Ban giải phóng mặt bằng phường Kim Mã, ông Cầu liên tục có đơn kiến nghị.

Lần tìm lại văn bản cũ, tại Công văn  số 405CV/QLN ngày 21/8/1991 của Xí nghiệp quản lý nhà, UBND quận Ba Đình  khẳng định: Mái bằng sân thượng thuộc quyền quản lý và cho phép sử dụng của chủ quản lý nhà. 

Mái bằng sân thượng chỉ được sử dụng vào các việc nhẹ nhàng như sân phơi, không ai được tự ý chiếm dụng xây dựng, cơi nới trái phép. Thế nhưng, tại Văn bản số 64/CV-BN61 ngày 6/2/2015 của Xí nghiệp nhà quận Ba Đình khi trả lời Thanh tra quận Ba Đình lại ghi là nhà 1+2 tầng, mái bằng, cấp 3. Tầng 2 là mái bằng sân thượng hộ khác sử dụng nên được tính như nhà tập thể 2 tầng. 

Hai văn bản cùng của Xí nghiệp quản lý nhà quận Ba Đình về căn nhà số 10 phố Thanh Báo hoàn toàn trái ngược nhau. Dựa trên trả lời từ phía Xí nghiệp nhà quận Ba Đình, UBND quận Ba Đình ra Quyết định số 1383/QĐ-UBND, ngày 8/6/2015  cho rằng: diện tích đất của ông Cầu là diện tích sử dụng tầng 1 được tính 40% chuyển quyền sử dụng đất. Tầng 2 là mái bằng sân thượng hộ khác sử dụng. 

Trả lời phóng viên Đài TNVN về vấn đề này, ông Vũ Khắc Thắng, Phó Chánh Thanh tra quận Ba Đình cho biết: “Bản thân nhà ông cầu Xí nghiệp nhà cho thuê, bán là bán căn hộ phần trên là khoảng sân chung không thuộc hộ nào cả, các hộ có thể sử dụng chung. Nếu tầng hai có nhà thì người ta cũng sẽ bán theo hệ số 0,3. Hiện nay theo chúng tôi biết là có một hộ đang sử dụng tầng 2 lợp bằng mái tôn và chính quyền phường đã lập hồ sơ xử lý”.

Đơn kiến nghị về nhà số 10 phố Thanh Báo của Giáo sư Hà Văn Cầu- Hội viên nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, Hội viên Hội liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật, Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam người được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cần phải được các cơ quan có trách nhiệm của quận Ba Đình xem xét, giải quyết một cách thấu đáo, thỏa đáng. Nếu cứ bắt ngôi nhà đang là nhà một tầng thành hai thì “oan” cho nó quá./.