Tỉnh Quảng Bình đã triển khai đề án tăng cường cán bộ cho các xã thuộc huyện nghèo, theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ từ tháng 4/2011. Đến nay, hầu hết các bộ trẻ đều thể hiện vai trò trách nhiệm của mình.
Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi ở trường Đại học Nông Lâm Huế, Hồ Thị Hồng là một trong 11 sinh viên xuất sắc được chọn nơi công tác sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, chị đã xung phong về nhận công tác tại xã Tân Hoá, huyện miền núi Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình.
Ngày ngày, Hồ Thị Hồng phải ở trọ nhà dân, rồi tự học ngôn ngữ của đồng bào. Không những thế, Hồng cùng bà con trong thôn bản còn triển khai hiệu quả mô hình nhà chống lũ, nhằm hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra. Hiện nay, Hồ Thị Hồng đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hoá.
“Mỗi một cán bộ trẻ về đây, vừa có kiến thức có tâm huyết, chúng tôi phải tăng cường thâm nhập và tuyên truyền sâu rộng từng địa phận thôn, xóm để từ đó nâng cao ý thức của nhân dân và ý thức của cộng đồng. Hiện tại, tôi đang tìm hiểu, tham khảo xem thử giống nào là có thể phù hợp điều kiện địa phương và đặc biệt áp dụng được 2 vụ ở những vùng mà chỉ sản xuất được một vụ, để từ đó nhằm giúp bà con có thu nhập cao hơn và có cuộc sống ổn định hơn”, chị Hồng nói.
Cũng như Hồ Thị Hồng, anh Phạm Văn Bắc ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, tốt nghiệp loại giỏi, anh đã tự nguyện về làm Phó Chủ tịch xã biên giới Trọng Hoá, huyện Minh Hoá sau khi cấm tấm bằng đỏ. Ngoài công việc, Bắc thường xuyên vào các bản làng nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, rồi hướng dẫn họ trong việc phát triển kinh tế rừng.
Minh Hóa là một trong những huyện thực hiện Nghị quyết 30a về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Mục tiêu của dự án là tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp địa phương phát triển, tạo cơ hội cho thanh niên là những trí thức trẻ có điều kiện phát huy năng lực của mình. Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã có 11 cán bộ trẻ tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã tại huyện miền núi Minh Hoá.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình cho biết: “Chủ trương đưa tri thức trẻ về làm Phó Chủ tịch là một chủ trương đúng đắn để rèn luyện cán bộ. Nhìn chung, các em đã cùng với địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương rất tốt. Một số đội viên đã bước đầu rất thành công, được lãnh đạo chính quyền địa phương và nhân dân tin tưởng. Đồng thời đánh giá cao các đề án phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhà vượt lũ của em Hồ Thị Hồng ở xã Tân Hoá. Nhìn chung, bước đầu các đội viên đã phần nào thể hiện vao trò của tri thức trẻ”.
Hầu hết cán bộ trẻ được đào tạo và tuyển dụng theo Dự án 600 tri thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã ở tỉnh Quảng Bình bước đầu đều khẳng định được năng lực, vai trò, trách nhiệm và tạo được sự tín nhiệm của cấp ủy chính quyền địa phương.
Dự án này là thành công bước đầu, trong kế hoạch đầu tư lâu dài cho nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Bình./.