Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa thống nhất phương án cải tạo hạ tầng các nút giao trên đường Láng theo đề xuất của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (Bộ GTVT), như mở rộng nút giao tại đầu các cầu giao đường Láng qua sông Tô Lịch nhằm tăng diện tích cho phương tiện rẽ vào cầu, mở dải phân cách cho xe quay đầu trên đường Láng...

Những giải pháp trên được đưa ra sau khi Viện Khoa học và Công nghệ GTVT thực hiện đề án chống ùn tắc trên đường Láng, đoạn từ Cầu Giấy đến ngã tư Nguyễn Chí Thanh, từ 31/10-4/11, bằng cách cử các kỹ sư điều hành giao thông thực tế tại ba nút giao cắt trên đoạn đường này.

Giao thông tại đường Láng trước đây khá hỗn tạp (Ảnh minh họa: dantri)

Ông Doãn Minh Tâm, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cho biết, mặc dù giao thông tại 3 nút trên đường Láng rất hỗn tạp, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm, nhưng khi các nút này được kỹ sư phân luồng thì tình hình giao thông hoàn toàn được kiểm soát.

Theo ông Doãn Minh Tâm nói, ùn tắc trên nhiều tuyến đường Thủ đô chưa đến nỗi trầm trọng và nếu tổ chức tốt, có sự tham gia của nhiều cơ quan, đoàn thể, giao thông ở Hà Nội vẫn có hướng tháo gỡ.

Trước đó, tại Hội nghị Triển khai công tác trật tự an toàn giao thông quốc gia năm 2012, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân về đề án hạn chế phương tiện cá nhân, tuy nhiên phải có cách để giảm thiểu loại phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô.

Theo đó, cùng với việc học hỏi nước ngoài thì cách để hạn chế ô tô là đánh vào kinh tế, tăng phí trước bạ đăng ký, nếu Chính phủ cho phép thì tăng lên mức 20 triệu đồng/lần đăng ký/xe, tăng càng cao thì càng hạn chế được loại phương tiện này.

Tổ chức giao thông Hà Nội đang thực hiện như phân làn trên các tuyến phố chính, cấm dừng đỗ tại những tuyến có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, dẹp các điểm chiếm dụng lòng đường vỉa hè để trông giữ xe.

Ông Nguyễn Thế Thảo cũng lưu ý tới việc cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng các điểm dừng đỗ xe động - tĩnh phù hợp, đúng quy hoạch. Di dời trụ sở của các Bộ ngành Trung ương và trường học ra khỏi nội thành là một trong những việc cần thiết góp phần giải tỏa giao thông, giảm áp lực giao thông tại những khu vực trọng điểm.

Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định việc tăng lệ phí phương tiện cá nhân đã được Quốc hội lắng nghe và ghi vào Nghị quyết, Chính phủ cũng đã có văn bản đồng ý để Bộ GTVT phối hợp với các địa phương sớm trình chủ trương này./.