Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến chiều 17/6, Việt Nam đã tiêm 1.991.059 liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine là 89.833 người. Riêng trong ngày 17/6 có thêm 200.263 người được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại 51 tỉnh/Thành phố.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc nỗ lực triển khai tiêm chủng an toàn, kịp tiến độ góp phần đảm bảo miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Bà Hồng cũng cho rằng, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là biện pháp hiệu quả và bền vững để phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, người dân cần tích cực tham gia để Việt Nam sớm có được miễn dịch cộng đồng phòng bệnh trong tương lai gần nhất.

Vaccine là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền hiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong. Tuy nhiên không có vaccine nào có hiệu lực 100%, nghĩa là sau tiêm chủng vaccine vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã tiêm có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên nếu mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng trên 70% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.

Các vaccine phòng COVID-19 hiện nay đều có hiệu lực từ trên 60- 95% vì vậy Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo vaccine là một vũ khí để chấm dứt đại dịch COVID-19.

“Vaccine COVID-19 cũng như bất kỳ một loại vaccine nào khác, khi sử dụng sẽ xảy ra một số phản ứng nhất định, bao gồm phản ứng thông thường để cơ thể đáp ứng sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh; và có thể gặp phản ứng nặng đe dọa sức khỏe và tính mạng người được tiêm chủng nếu không được xử trí kịp thời”.

Đến nay, trong số người đã tiêm, khoảng 14 - 20% có phản ứng sau tiêm, tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Một số phản ứng nặng như phản ứng phản vệ sau tiêm vaccine đã xảy ra, các cơ sở y tế đã tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về xử trí phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Cũng theo GS Hồng, vaccine phòng COVID-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều đảm bảo an toàn và chất lượng khi đưa ra sử dụng. "Chúng tôi khuyến cáo việc sớm được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là quan trong để chủ động phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Người dân không nên có tâm lý lựa chọn vaccine mà phải chờ đợi và bỏ đi cơ hội tiêm chủng sớm" - PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết. 

Cũng theo BSCKII Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, vaccine COVID-19 là chìa khóa rất quan trọng, chỉ có con đường tiêm vaccine thì chúng ta mới có thể tạo được miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, khi đã xác định được vai trò của vaccine thì bằng mọi cách phải tiến hành được việc tiêm chủng càng sớm, càng tốt. Tuy nhiên bất cứ thuốc gì cũng có tỷ lệ phản ứng, nhưng mức độ rất thấp.

Vừa qua, trong cuộc họp triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta.

Bộ trưởng cũng cho biết, chỉ có vaccine mới đưa được cuộc sống trở lại bình thường.

GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh chiến dịch tiêm chủng quốc gia lần này có nhiều điểm mới. Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu để đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành ở nhiều lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc, nhằm đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở một số tỉnh, thành hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, bao gồm cả những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cũng vẫn phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch COVID-19, đó là thực hiện thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người và khai báo y tế)./.