Tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng do người dân sinh ít con hơn và tuổi thọ cao hơn trước đây. Năm 2011, tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm 10% tổng dân. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già khi người cao tuổi chiếm 1/5 tổng dân số và tới năm 2060, số lượng người cao tuổi sẽ chiếm 1/3 tổng dân số và lớn hơn gấp 2 lần so với nhóm dân số dưới 15 tuổi.
Tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. (Ảnh minh họa, nguồn: KT) |
Sự thay đổi theo chiều hướng già đi đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp thích hợp để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa có thể duy trì hệ thống an sinh xã hội toàn diện cho mọi người dân Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống an sinh xã hội mới chỉ tập trung đáp ứng nhu cầu của người lao động khu vực chính thức mà chưa đáp ứng nhu cầu của lao động phi chính thức. Hiện vẫn còn nhiều bất cập trong các chế độ trợ cấp hưu trí, bao gồm bất bình đẳng giữa các thế hệ, giới tính và tình trạng kinh tế. Các chế độ trợ cấp xã hội mới chỉ tập trung vào nhóm dân số cao tuổi khi họ đã ở giai đoạn cuối của cuộc đời. Tính tới thời điểm hiện tại, các chế độ an sinh xã hội mới chỉ bao phủ dược một nửa dân số người cao tuổi ở Việt Nam.
Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho rằng, bên cạnh cải thiện chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi, cần có những nghiên cứu để giảm áp lực về già hóa dân số:
“Rút kinh nghiệm từ các nước mà chúng ta cần điều chỉnh, tất nhiên không mở rộng, nới dần dân số sinh đẻ để giảm áp lực già hóa dân số. Chẳng hạn, chúng ta không khuyến khích tất cả nhưng những người có điều kiện, có khả năng chăm sóc, nuôi con thì có thể nới ra. Về chính sách dân số còn là bài toán dài hơi cần phải nghiên cứu kỹ hơn để mà có điều chỉnh tầm quốc gia từ đó rút kinh nghiệm"./.
Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu thế giới về tốc độ già hóa dân số
Dân số TP HCM tăng từ 200.000 đến 400.000 người mỗi năm